Huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) là khu vực có tần xuất động đất nhiều nhất với 11 trận; Sơn La 9 trận; Điện Biên 2 trận; các địa phương Thừa Thiên - Huế, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Ngãi mỗi tỉnh một trận.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định, so với các tháng cuối năm 2012, từ đầu năm 2013 đến nay, độ lớn và tần suất của động đất có xu hướng giảm. "Nhưng động đất chưa có biểu hiện kết thúc, vì vậy cần tiếp tục theo dõi, trong đó chú ý nghiên cứu mối quan hệ với lượng nước hồ chứa thủy điện sông Tranh", ông Xuân Anh nói. Viện Vật lý địa cầu đã triển khai mạng quan trắc địa chất tại đây.
Ngôi nhà của một người dân ở Quảng Nam bị nứt sau trận động đất có độ lớn 3,6 vào ngày 8/7. Ảnh: Tiến Hùng.
|
Tiến sĩ Xuân Anh cho biết thêm, mấy năm gần đây, động đất trung bình và nhỏ thường xảy ra trên lãnh thổ và thềm lục địa Việt Nam, nhưng không có nghĩa là Việt Nam không có động đất mạnh. "Khu vực Tây Bắc từng ghi nhận động đất tới 6,8 độ xảy ra ở Tuần Giáo năm 1983", ông Anh cảnh báo.
Theo các nhà khoa học, tâm chấn động đất được ghi nhận không phân bố ngẫu nhiên, mà tập trung vào một số đới cụ thể. Ở miền Bắc, động đất xảy ra dọc các đới đứt gẫy Mường La - Bắc Yên, Sơn La, Sông Mã.... Ở miền Nam, động đất xảy ra ở trên thềm lục địa ngoài khơi Vũng Tàu.
Khi xảy ra động đất, giới chuyên gia khuyến cáo người dân nên bám chặt vào một khung cửa, hoặc chui xuống bàn trong trường hợp ở tòa nhà có kết cấu vững chắc. Nếu ở ngoài trời thì người dân cần tránh xa các đường dây điện, cột điện, nên chạy tới vùng đất trống. Nếu đang lái xe, bạn hãy cố gắng tấp vào bên đường và dừng lại.
Thang độ lớn mô men (moment magnitude scale) là một cách đo độ mạnh động đất được phát triển năm 1979 bởi Tom Hanks và Kanamori Hiroo, để kế tiếp thang richter (thang độ lớn địa phương). Thực tế ngày nay, giới khoa học thường tính theo thang độ lớn mô men, vì thang richter cũ hơn không thích hợp với các độ lớn hơn 6,8. |