70 năm giải phóng Thủ đô

3 cách xử lý nhanh khi đồ gỗ trong nhà bị rạn nứt

Tuấn Đạt/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

Việc đồ gỗ sau khoảng thời gian dài sử dụng rất dễ bị rạn nứt khiến giảm đi độ bền của sản phẩm.

Đồ gỗ rất dễ bị rạn nứt khi sử dụng trong khoảng thời gian dài. Ảnh: Pixabay
Đồ gỗ rất dễ bị rạn nứt khi sử dụng trong khoảng thời gian dài. Ảnh: Pixabay

Lý do đồ gỗ trong gia đình sau khoảng thời gian dài sử dụng thường dễ bị rạn nứt là bởi tác động của thời tiết hoặc sự co ngót tự nhiên của gỗ. Để xử lý tình trạng này, một vài cách sau mà các bà nội trợ có thể tham khảo để kéo dài tuổi thọ cho đồ gỗ.

Sử dụng keo gỗ

Một trong những cách dễ thực hiện khi xử lý đồ gỗ bị rạn nứt là sử dụng keo gỗ. Keo gỗ được chế tạo đặc biệt để có thể bám chắc vào các khe hở, lấp đầy vết nứt mà vẫn đảm bảo độ chắc chắn của sản phẩm.

Trước tiên, hãy loại bỏ bụi bẩn và các mảnh vụn trong vết nứt bằng cọ mềm hoặc máy thổi bụi. Cách làm này sẽ giúp keo gỗ có độ bám dính tốt hơn. Các bà nội trợ có thể lựa chọn loại keo gỗ phù hợp với màu sắc của đồ gỗ. Nếu không có keo màu gỗ tương thích, có thể thêm màu hoặc bột gỗ trộn với keo để tạo màu phù hợp nhất với bề mặt gỗ.

Sau khi chuẩn bị, hãy nhẹ tay đổ keo vào vết nứt, dùng dao chuyên dụng hoặc que nhỏ để gạt keo vào sâu bên trong vết nứt. Cần đảm bảo rằng, keo đã lấp đầy và không để lại không khí bên trong. Khi keo bắt đầu khô, hãy dùng giấy nhám để chà nhẹ cho bề mặt gỗ mịn màng và đồng đều với phần còn lại.

Dùng bột gỗ trộn keo

Trong trường hợp vết nứt lớn hơn hoặc cần xử lý ở những vị trí có bề mặt khó thao tác, việc trộn bột gỗ với keo là một giải pháp mang lại hiệu quả tối ưu. Phương pháp này cho phép tạo nên một lớp keo đặc hơn và có màu sắc gần giống với bề mặt gỗ. Đây là cách xử lý phù hợp với những loại gỗ có giá trị cao, cần bảo tồn tính nguyên bản của sản phẩm.

Bột gỗ có thể được tạo ra bằng cách lấy từ chính đồ gỗ bị hư hỏng, hoặc sử dụng loại bột gỗ có bán sẵn. Loại bột này có thể được trộn với keo gỗ nhằm tạo thành một hỗn hợp dẻo, dễ sử dụng.

Sau khi trộn bột và keo thành hỗn hợp, đắp lên vết nứt. Dùng dao hoặc que nhỏ để gạt hỗn hợp vào sâu bên trong vết nứt. Chờ đến khi hỗn hợp khô, dùng giấy nhám để chà phẳng, giúp bề mặt gỗ trở lại tình trạng ban đầu.

Lợi ích của sáp gỗ

Một phương pháp xử lý nhanh chóng và hiệu quả cho các vết nứt nhỏ là sử dụng sáp gỗ. Sáp có ưu điểm rất dễ sử dụng, không yêu cầu quá nhiều công đoạn phức tạp, đồng thời có nhiều màu sắc để lựa chọn phù hợp với các loại gỗ khác nhau.

Có nhiều loại sáp trên thị trường, từ sáp mềm đến sáp cứng với các màu sắc đa dạng. Cần lựa chọn loại sáp phù hợp với màu sắc của đồ gỗ trong nhà. Trước khi sử dụng sáp, cần làm sạch vết nứt để sáp có thể bám lâu hơn. Cho sáp lấp đầy vào vết nứt rồi dùng một miếng vải mềm lau sạch phần sáp thừa trước khi làm phẳng bề mặt.

Sử dụng sáp là một phương pháp hiệu quả khi xử lý các vết nứt nhỏ trên gỗ. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên áp dụng đối với những trường hợp không yêu cầu quá nhiều về độ bền lâu.