Đây là thông tin được Bộ LĐTB&XH phát hành trong Bản tin Thị trường Lao động Việt Nam quý 1/2023. Theo đó, trong quý 1/2023, cả nước có 52,2 triệu người tham gia lực lượng lao động, tăng 88.700 người so với quý 4/2022; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 26,4%.
5 nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là nhà chuyên môn bậc cao, lãnh đạo và quản lý trong DN, nhà chuyên môn bậc trung, thợ lắp ráp và máy vận hành, và nhân viên trợ lý văn phòng.
Bản tin Thị trường Lao động Việt Nam cũng chỉ ra xu hướng tuyển dụng, tìm việc trên thị trường lao động. Theo đó, phân tích dữ liệu tuyển dụng của DN và người lao động tìm việc làm từ quý 1/2023 cho thấy: Có 16.730 lượt DN đăng tuyển dụng 75.285 lao động, 72.458 người tìm việc. Các DN yêu cầu người lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 49,4%; trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp 42,3% và không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật là 8,3%. Có 3 vị trí được tuyển dụng nhiều nhất là nhân viên 72,4%, tiếp đến là quản lý bậc trung và quản lý bậc cao.
5 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất gồm: thông tin và truyền thông; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ. Và, 5 nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất: phát triển phần mềm, quản trị mạng, an ninh mạng, chuyên viên dữ liệu và truyền thông; kế toán tài chính; Kinh doanh, bán hàng, quản lý sản phẩm; tư vấn sức khỏe và các cong việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe và kỹ sư cơ khí, điện tử, tự động hóa.
Bộ LĐTB&XH dự báo triển vọng thị trường lao động quý 2/2023 có 51,25 triệu người có việc làm, tăng 150.000 người so với quý 1/2023. Dự báo một số ngành có nhu cầu tăng lao động, đó là: sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 28.200 người; ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 18.600 người; sản xuất đồ uống tăng 4.700 người.
Tuy nhiên, Bộ LĐTB&XH dự báo có 3 ngành sẽ giảm việc làm trong quý 2/2023. Cụ thể, ngành may trang phục giảm 38.100 người; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 38.000 người; in, sao chép bản ghi các loại giảm 37.800 người.
Trước đó, trao đổi về xu hướng việc làm quý 2/2023, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, tính đến hết tháng 3/2023, toàn TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 44.573/162.000 lao động, đạt 27,5% kế hoạch năm. Sau dịch Covid-19 đã có sự biến động rất mạnh mẽ của lực lượng lao động và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì thế, trong thời gian tới, các DN tuyển dụng lao động cũng hướng vào nhóm đối tượng có thể làm việc ứng dụng dụng nhiều công nghệ thông tin.
Về công việc mới sau dịch cũng có những chuyển đổi nhất định. Vì thế, Sở LĐTB&XH Hà Nội đang tập trung chỉ đạo giải quyết việc làm cho người lao động mới gia nhập thị trường lao động, người lao động đang hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động ở các khu công nghiệp và các ngành dịch vụ phát triển sau dịch.