Ghi nhận cho thấy những ngày qua, tại 3 địa phương nêu trên đã bị ảnh hưởng lớn của mưa lớn, dông lốc sét. Theo đó, ít nhất đã có 3 người bị chết (Tuyên Quang 1 người, do bị sét đánh; Lâm Đồng 2 người, trong đó, 1 người phụ giúp cưa cây gòn ngã đổ do dông lốc bị cây đè vào người tử vong và 1 vận động viên Marathon bị lũ cuốn trôi.
Thiên tai cũng khiến 17 nhà dân bị hư hỏng. Trong đó, thiệt hại hoàn toàn: 1 nhà (Lâm Đồng). Thiệt hại nặng: 5 nhà (Lâm Đồng) và thiệt hại một phần: 11 nhà (Lâm Đồng 8 nhà; Hà Giang 3 nhà).
Đối với sản xuất nông nghiệp, thống kê đã có hàng chục héc ta lúa; mạ; rau chuyên canh, điều tại Hà Giang và Lâm Đồng bị ngã đổ. Hàng trăm gia súc, gia cầm bị cuốn trôi tại Hà Giang. Cũng tại tỉnh miền núi này, 30.000m2 ao cá truyền thống và 270m3 cá lồng đã bị thiệt hại.
Cơ sở hạ tầng cũng bị tổn thương sau những đợt mưa lớn. Theo đó, sạt lở xảy ra tại nhiều điểm thuộc các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn tại Hà Giang. Đơn cử như: Tuyến Đạo Đức - Cao Bồ: Sạt lở 50m3 đất đá taluy dương; tuyến đường bê tông xã Quảng Ngần: sạt lở 15m taluy âm; tuyến đường đi thôn Tham Còn, xã Cao Bồ: Sạt lở 150m3 đất đá.
Thiên tai cũng làm sập đổ 223m tường rào 3 trường học (Lâm Đồng: 173m; Hà Giang: 50m); 1 cổng chào thôn văn hóa bị sập đổ (Lâm Đồng). Ước tổng thiệt hại ban đầu khoảng 1,46 tỷ đồng. Trong đó, Hà Giang: 1 tỷ; Lâm Đồng: 0,46 tỷ.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.
Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình động đất, nắng nóng, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá để cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp ứng phó và phòng tránh phù hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại...