3 người chết và mất tích, miền Trung thiệt hại nặng nề do mưa lũ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt mưa trái mùa bất thường những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung. Hiện, các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả sau thiên tai.

3 người chết và mất tích

Số liệu quan trắc cho thấy, từ 19 giờ ngày 30/3 đến 7 giờ sáng nay (2/4), tại các tỉnh từ Quảng Trị - Quảng Ngãi đã có mưa từ 200 - 500mm; Bình Định - Khánh Hòa và Quảng Bình từ 150 - 300m. Một số trạm ghi nhận lượng mưa lớn như: Hải Lâm (Quảng Trị) 449mm; Khe Tre (ThừaThiên Huế) 764mm; Hòa Phú Thành (Đà Nẵng) 491mm; Điện Hồng (Quảng Nam) 495mm; Trà Phú (Quãng Ngãi) 381mm; Mỹ Thọ (Bình Định) 348mm; Sơn Nguyên (Phú Yên) 274mm, Hoa Sơn (Khánh Hòa) 275mm...

Dân quân tự vệ hỗ trợ khắc phục nhà dân hư hỏng do mưa lớn, dông lốc tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Đắc Thành.
Dân quân tự vệ hỗ trợ khắc phục nhà dân hư hỏng do mưa lớn, dông lốc tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Đắc Thành.

Lũ trên các sông Quảng Bình - Thừa Thiên Huế đã đạt đỉnh trong đêm 1/4 và đang xuống; rạng sáng 2/4 ở mức báo động (BĐ)1 - BĐ2, riêng sông Bồ (Thừa Thiên Huế) trên BĐ2. Ngập lụt xảy ra cục bộ khu vực ven sông tại 4 xã thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; vùng trũng, thấp thuộc các huyện Phú Vang, Hương Điền, Quảng Điền, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế; một số xã thuộc các quận, huyện Thanh Khê, Liên Chiểu, Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai sáng 2/4 cho thấy, mưa lớn, dông lốc những ngày qua đã khiến ít nhất 2 người chết (1 người tại tỉnh Phú Yên do lốc xoáy khi trên ghe ra lồng bè nuôi tôm hùm để cho tôm ăn; 1 trường hợp ở tỉnh Quảng Nam do di chuyển máy xúc qua ngầm tràn bị lũ cuốn trôi); 1 người mất tích tại tỉnh Phú Yên do lốc xoáy khi trên ghe ra lồng bè nuôi tôm hùm để cho tôm ăn.

Ít nhất 2 nhà dân bị sập đổ, 38 ngôi nhà tốc mái, hư hỏng. Ngoài ra, 261 ghe, thuyền chìm, hư hỏng; 2.480 lồng bè tôm hùm thiệt hại (chủ yếu tại tỉnh Phú Yên). 6 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông (Thừa Thiên Huế: 1 điểm; Đà Nẵng: 2 điểm; Quảng Nam: 3 điểm). Cùng với đó là khoảng 54.430ha lúa bị ngập, gãy, đổ.

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Trước diễn biến thiên tai bất thường, ngày 1/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp với 7 tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, dông lốc, gió mạnh trên biển khu vực miền Trung. Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó trưởng Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả tại khu vực miền Trung.

 

Mực nước hồ chứa thuỷ điện lên nhanh: Ghi nhận ngày 2/4 cho thấy, trên lưu vực sông Hương: Hồ Hương Điền dung tích đã đạt 98%, tăng 4% (hiện đang điều tiết xả 260 m3/s); hồ Bình Điền dung tích đạt 76%, tăng 5%; A Lưới 100%;hồ Tả Trạch dung tích đạt 91%, tăng 5%. Trong khi đó trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn: Hồ Sông Tranh 2 dung tích đạt 90%, tăng 2%; hồ A Vương dung tích đạt 87%, tăng 4%; hồ Đăk Mi 4 dung tích đạt 92%, tăng 1%; hồ Sông Bung 4 dung tích đạt 95%, tăng 4%. Các đơn vị quản lý hồ chứa đang theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước để có phương án điều tiết lũ phù hợp.

Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, đến nay Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo đã có 3 văn bản chỉ đạo các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên ứng phó với mưa lớn, lũ, lốc, sét, gió mạnh trên biển. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chuyển các bản tin cảnh báo, dự báo đến các địa phương để chủ động triển khai ứng phó; hướng dẫn cách phòng, chống thiên tai đến người dân, cộng đồng. Đồng thời tổ chức nhắn tin qua hệ thống Zalo của Ban Chỉ đạo đến trên 8,5 triệu thuê bao khu vực nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương khẩn trương huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. Trong đó tập trung trục vớt, sửa chữa tàu thuyền bị chìm, hư hỏng; tổ chức tiêu nước đệm, nước rút đến đâu thu hoạch lúa đến đấy.

Tổ chức lực lượng thường trực tại các hồ chứa; chủ động điều tiết nước, hạn chế xả để hỗ trợ thu hoạch lúa dưới hạ du. Đồng thời, tăng cường thông tin cho tàu thuyền hoạt động trên biển biết diễn biến gió mạnh trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Các địa phương cũng cần rà soát những khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt...