3 tháng và thách thức 250.000 tỷ đồng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền kinh tế đã đi qua 2/3 chặng đường, song vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra. Trong điều kiện khó khăn lúc này, giải ngân đầu tư công là một nguồn lực, động lực rất lớn để góp phần khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, kế hoạch đầu tư công là gần 500.000 tỷ đồng, song đến cuối tháng 9, ước tính cả nước mới giải ngân đạt 47,38%, tương đương 218.550 tỷ đồng. Vẫn còn gần 50% tương đương khoảng 250.000 tỷ đồng chưa giải ngân. Từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng nữa đây là thách thức rất lớn.

 Ảnh: Tuấn Anh
Thông thường, nửa cuối năm sẽ là giai đoạn cao điểm giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh bùng phát tại nhiều địa phương, giãn cách xã hội trên diện rộng khiến quý III bị ảnh hưởng nhất và tình hình còn có thể khó khăn sang tận quý IV. Do vậy, trong bối cảnh thời gian còn ít, khối lượng công việc lại quá nhiều, cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành cùng quyết tâm thực hiện đồng bộ, quyết liệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Để phôi phục, phát triển kinh tế, thúc đẩy đầu tư công phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 vẫn là yếu tố quyết định. Tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo các nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đơn cử, những vướng mắc hiện nay không chỉ liên quan tới chủ trương và điều chỉnh chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, đầu tư công hiện còn có những vướng mắc liên quan tới xây dựng, đấu thầu, điều khoản ký kết với nhà tài trợ... Vì vậy, để đẩy nhanh dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế, những điểm nghẽn liên quan tới quy định pháp luật cần phải được tháo gỡ.

Riêng với nội dung giải phóng mặt bằng, việc này đã được áp dụng với các dự án cấp quốc gia. Thủ tướng Chính phủ cho biết đã giao Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội khi chưa sửa quy định thì cho phép thực hiện thí điểm với các dự án khác.

Tổng số dự án triển khai trong năm 2021 khoảng 2.511 dự án, trong đó có 2.021 dự án chuyển tiếp từ các năm trước, chỉ có 490 dự án khởi công mới. Qua trao đổi, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư cho biết, đã tiếp nhận hơn 80 vướng mắc về quy định, thì có tới quá nửa là do cách hiểu không đúng, hiểu khác của các địa phương.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu. Các địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách cần tranh thủ làm ngay các thủ tục cho các dự án; sau ngày 30/9 có lộ trình phù hợp, hiệu quả, mở cửa trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để vừa phải chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tư công là yếu tố phát huy và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nền kinh tế, tạo việc làm, làm tăng trưởng GDP hàng năm. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cả hệ thống chính trị và các bộ, ngành liên quan. Đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất cao và tính linh hoạt chủ động của các cơ quan. Giảm thủ tục hành chính liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công để đẩy mạnh hơn việc giải ngân vốn đầu tư công. Quy trình cấp vốn cần nhanh chóng rút gọn tối đa các thủ tục không cần thiết. Rà soát, điều chuyển vốn cho dự án giải ngân tốt, đang cần vốn. Đơn cử khi một đơn vị điều chỉnh giảm, khi có đơn vị xin điều chỉnh tăng thì có thể thực hiện được công tác điều chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác. Làm sao để giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất có thể, vừa phải kịp tiến độ, vừa phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của đầu tư công.