Toàn cảnh toạ đàm ''Du lịch Việt Nam 2021 - 2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ''. |
Chiều 3/4, tọa đàm “Du lịch Việt Nam 2021 - 2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ” đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc và đại diện cơ quan quản lý, hiệp hội; các chuyên gia về du lịch, kinh tế và nhiều doanh nghiệp uy tín về du lịch, lữ hành, hàng không trên toàn quốc,… đã tham dự.
Còn nhiều dư địa khai thác
Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, các hoạt động đi lại, vận chuyển hàng không trên thế giới đều bị ngừng trệ, biến du lịch từ vị trí ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh và ổn định hàng đầu thế giới trở nên “ngưng trệ - đóng băng”. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề gián tiếp liên quan đến hoạt động du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực, quyết tâm của các Bộ, Ban, ngành và địa phương,Việt Nam đã thành công trong việc nhanh chóng khống chế nhiều lần bùng phát dịch trên cả nước.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, tiềm năng và nhu cầu đi du lịch trong nước của người dân vẫn còn nhiều dư địa khai thác. |
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, đây là tiền đề để thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng 29%. “Việt Nam trở thành quốc gia có giá trị thương hiệu tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch Covid-19. Thương hiệu “quốc gia an toàn” tôn thêm giá trị hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn mà nhiều năm nay du lịch Việt Nam đã xác lập trong lòng du khách quốc tế. "Đây sẽ là thế mạnh, đòn bẩy cho du lịch Việt Nam khi chúng ta mở cửa đón khách quốc tế trở lại Việt Nam” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định.
Ông cho biết, năm 2020 sau khi các đợt dịch được kiểm soát, Bộ đã phát động 2 đợt kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam - an toàn, hấp dẫn”. Cả 2 đợt phát động này đều nhận được sự hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông trong cả nước. Nhờ vậy lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt, mang lại thu khoảng 312.200 tỷ đồng; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực do dịch Covid-19 tới ngành du lịch. Qua đó chứng tỏ, tiềm năng và nhu cầu đi du lịch trong nước của người dân vẫn còn nhiều dư địa khai thác.
Kích cầu du lịch nội địa
Tại toạ đàm, dưới góc độ là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Phó Chủ tịch tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung đã bày tỏ mong muốn, các cơ quan Nhà nước tiếp tục phát động các chương trinh du lịch nội địa. Truyền thông tổng thể sẽ giúp người dân tiếp cận du lịch trong nước. Đồng thời, cần bổ sung thêm ngày nghỉ - ngày du lịch Việt Nam, bố trí sát vào các kỳ nghỉ hiện hữu.
Phó Chủ tịch tập đoàn FLC cho rằng, đối với các doanh nghiệp du lịch, yếu tố: An toàn, tiêu chuẩn dịch vụ, chi phí cần phải đặt lên hàng đầu. Trong đó, về mặt an toàn, doanh nghiệp cần nỗ lực tạo ra các điểm đến an toàn cho du khách, phục vụ đa dạng nhiều sản phẩm tại một điểm đến.
Về chất lượng dịch vụ, năm 2020, 50% nhân sự trong ngành du lịch mất việc, vì vậy cần phải tập trung đào tạo, củng cố đội ngũ nhân sự trong tập đoàn, nâng cấp, tạo nên nhiều hạ tầng du lịch. Về mặt chi phí, từ 2020, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp để tạo ra gói sản phẩm liên kết hợp lý cho người tiêu dùng. Ví dụ, combo bay, nghỉ dưỡng và chơi golf đc nhiều khách hàng đón nhận. Mở thêm nhiều đường bay ngách đến Côn Đảo, Rạch Giá, Kiên Giang hay từ Thanh Hoá đến Quy Nhơn.
Đồng quan điểm trên, Tổng giám đốc Eurowindow kiêm Chủ tịch câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ Nguyễn Cảnh Hồng cũng nhận định, tại Việt Nam, du lịch là nền kinh tế mũi nhọn. Trong giai đoạn trước mắt, Việt Nam cần đẩy mạnh du lịch và xem xét mở cửa du lịch quốc tế.
Ông cũng khẳng định du lịch nội địa sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế. Các ngành như lưu trú, dịch vụ... cần tạo mối liên kết chặt chẽ. Theo đó, câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ đang triển khai chính sách liên kết chung giữa các doanh nghiệp hành không, lữ hành... để kích cầu du lịch.
Cơ cấu lại thị trường mục tiêu
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), nếu dịch bệnh được kiểm soát và toàn thế giới nới lỏng hạn chế đi lại vào giữa năm 2021, thì cũng sẽ mất 2,5 - 4 năm để du lịch quốc tế hồi phục bằng với mức của năm 2019. Vì vậy, cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa là kế hoạch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch.
Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết kiến nghị 63 tỉnh thành tổ chức tọa đàm kích cầu du lịch nhằm thu hút các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp để kích cầu du lịch cho địa phương. |
Trong bối cảnh như vậy, các chuyên gia, nhà quản lý nhận định, kế hoạch phục hồi du lịch Việt Nam phải được được tính toán trên nhiều phương diện. Trong đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; cùng với phát triển sản phẩm mới, cần làm mới sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho du khách đối với những sản phẩm hiện có, phù hợp với nhu cầu thị trường thay đổi do dịch bệnh; đẩy mạnh liên kết giữa các điểm đến, các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông, hình thành và triển khai hiệu quả các liên minh kích cầu, thu hút, trao đổi khách. Đối với thị trường quốc tế, cần những bước chuẩn bị tích cực về sản phẩm, năng lực phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh khi các hoạt động du lịch quốc tế quay trở lại.
Trao đổi xoay quanh vấn đề kích cầu, phát triển ngành du lịch, Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho biết, tập đoàn cũng như Bamboo đã triển khai nhiều gói kích cầu trước đó. Tại Thanh Hóa, FLC không chỉ phát triển doanh nghiệp mà còn đóng góp cho địa phương để phát triển du lịch vùng như tổ chức tọa đàm kích cầu, nhạc hội... Cùng đó, ông cũng kiến nghị 63 tỉnh thành tổ chức tọa đàm kích cầu du lịch để thu hút các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp để kích cầu du lịch cho địa phương. Mỗi vùng đều góp sức, du lịch Việt Nam sẽ phát triển đồng đều hơn.