70 năm giải phóng Thủ đô

30 triệu dữ liệu cá nhân được rao bán, Bộ Công an vào cuộc điều tra

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Bộ Công an đang điều tra vụ đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân được cho là lấy từ Bộ GD&ĐT và một số dữ liệu ở một số ngành khác..." - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 10/8.

Dọn rác trên không gian mạng, giải pháp nào?

Sáng 10/8, công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, tình trạng rao bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội; xử lý thông tin xấu, độc; mua bán giấy tờ giả... là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đặt câu hỏi.

Cùng tham gia trả lời chất vấn về vấn đề bóc gỡ thông tin sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thông tin xấu độc hiện nay chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới. Đối với việc hoàn thiện thể chế, một số nghị định về quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã được sửa đổi và sẽ được ban hành trong quý III này sẽ tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để quản lý các nền tảng xuyên biên giới thực thi pháp luật tại Việt Nam. Các nền tảng như Facebook, Youtube đã nâng tỷ lệ thì lệ đáp ứng yêu cầu của các cơ quan nhà nước từ dưới 20% năm 2018 lên 90 đến 95% hiện nay.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thông tin xấu độc hiện nay chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thông tin xấu độc hiện nay chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới

Về giám sát không gian mạng, Bộ TT&TT đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm an toàn không gian mạng quốc gia để phát hiện sớm các thông tin xấu độc, sai sự thật. Khả năng xử lý của Trung tâm này đã tăng từ 100 triệu tin/ngày lên thành 300 triệu tin/ngày. Từ năm 2021, Bộ TT&TT cũng đã thành lập Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam để tiếp nhận các phản ánh của người dân về tin giả để xử lý.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, việc bóc gỡ các thông tin sai sự thật trên không gian mạng, cũng như việc dọn rác trên không gian mạng là việc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và mọi người dân. Bộ TT&TT đang soạn thảo một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc các bộ, ngành, địa phương lên không gian mạng phát hiện, tiếp nhận và xử lý rác thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Việc bóc gỡ thông tin xấu, độc không thể chỉ là việc của Bộ TT&TT và Bộ Công an, mà là của tất cả các bộ, ngành, địa phương, người dân để làm sạch không gian mạng. Bộ Công an và Bộ TT&TT có nhiệm vụ cung cấp công cụ, cơ chế tháo gỡ các tin sai sự thật, thanh, kiểm tra và xử lý hành chính vi phạm về đưa tin giả trên không gian mạng. Vừa qua, Bộ TT&TT đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vì ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội, về hậu quả có thể gây ra các tin sai sự thật về việc lên mạng xã hội.

Về vấn đề kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của quốc gia, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT về việc điều phối kết nối, chia sẻ dữ liệu. 6 tháng vừa qua thì số giao dịch kết nối chia sẻ trên trục quốc gia đã tăng gần 30 lần.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết, hiện nay các thông tin cá nhân đang được rao bán trên các hội nhóm nền tảng mạng xã hội
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết, hiện nay các thông tin cá nhân đang được rao bán trên các hội nhóm nền tảng mạng xã hội

“Việc chọn kết nối với cơ sở người dân cư vừa qua thì chủ yếu là do việc một số hệ thống thông tin kết nối cần phải đánh giá an toàn, an ninh mạng để đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho chính cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ TT&TT đã ban hành hướng dẫn để các hệ thống thông tin rà soát lại, đánh giá lại vấn đề an toàn thông tin hệ thống của mình để có thể kết nối vào cơ sở dữ liệu dân cư, trong năm nay thì các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước sẽ được kết nối an toàn” - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

30 triệu dữ liệu cá nhân rò rỉ từ đâu?

Tại phiên họp, đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) nêu vấn đề về việc bảo vệ thông tin cá nhân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định, nhưng hiện nay tình trạng vi phạm rất phổ biến.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân đang được Bộ Công an tích cực thực hiện. Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân hiện nay "đáng báo động", trong khi hành lang pháp lý về vấn đề này chưa hoàn thiện, ý thức của người dân trong việc bảo vệ thông tin cá nhân chưa cao. Bộ đang xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng gặp nhiều khó khăn. Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về bảo vệ dữ liệu cá nhân, sắp tới sẽ ban hành. Dự kiến năm 2024, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc tham gia mạng xã hội; Tích cực điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng làm lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân theo quy định. “Bộ Công an đang điều tra vụ đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân được cho là lấy từ Bộ GD&ĐT và một số dữ liệu ở một số ngành khác như Bộ Y tế cũng có nguy cơ bị lộ, lọt cũng sẽ tập trung điều ra, xử lý" - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã triệt phá một số đường dây làm giả giấy tờ quy mô lớn
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã triệt phá một số đường dây làm giả giấy tờ quy mô lớn

Về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết đây là tài nguyên của quốc gia, phải được bảo đảm và quản lý rất nghiêm ngặt. Bộ Công an sẽ thực hiện đúng điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn mức độ 4 quốc gia; thực hiện nghiêm việc thu thập dữ liệu, phân cấp, phân quyền từ Trung ương đến địa phương. Cùng đó, thường xuyên giám sát kỹ thuật chuyên biệt 24/24 để phòng chống tấn công, đánh cắp dữ liệu hàng ngày, đối phó với hàng nghìn cuộc tấn công dữ liệu quốc gia về dân cư. Thường xuyên kiểm tra việc an ninh, an toàn ở các bộ ngành, địa phương. Qua kiểm tra mới xác định 10 bộ, 33 địa phương có thể đảm bảo an toàn cho việc kết nối với trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.

Triệt phá các đường dây làm giả giấy tờ quy mô lớn

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết, hiện nay các thông tin cá nhân đang được rao bán trên các hội nhóm nền tảng mạng xã hội. Thời gian qua, Công an các địa phương đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội nhưng vẫn còn nhiều đối tượng đang hoạt động chưa bị xử lý. Đại biểu đặt câu hỏi về những giải pháp của Bộ Công an trong thời gian tới để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tình trạng các đối tượng tạo website, mang bán giấy tờ giả, chứng chỉ công khai trên mạng. Bộ Công an đã triệt phá một số đường dây làm giả giấy tờ quy mô lớn, thu giữ nhiều máy móc, phôi làm giả giấy tờ. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận có thể làm tất cả các khâu để giả giấy tờ; tự ký và đóng dấu được; sẵn sàng làm giả hầu hết các giấy tờ các loại, kể cả bằng đại học y, dược, phục vụ công tác bổ nhiệm, đào tạo cán bộ.

Bộ Công an đã tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này. Bộ chỉ đạo tham mưu cơ quan chức năng rà soát việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để xử lý nghiêm theo quy định. Bộ cũng dùng biện pháp nghiệp vụ, điều tra, đấu tranh xử lý các đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ giả.