ĐB Đoàn Việt Cường (tổ đại biểu huyện Đông Anh) đặt vấn đề, quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 5/2013, trong đó xác định mục tiêu tỉ lệ dân số được phục vụ thu gom và xử lý nước thải đến năm 2030 đạt 90%. Đồng thời xác định rõ 41 công trình dự án cần được thực hiện, tuy nhiên đến nay gần 10 năm, TP đã và đang triển khai mới được 7 dự án, còn 34 dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung chưa được thực hiện. Vì vậy, nước thải sinh hoạt đô thị chưa được xử lý gây ảnh hưởng môi trường, cử tri và nhân dân nhiều địa phương đưa ra kiến nghị đề nghị UBND TP cho biết thực trạng và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Tranh luận tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Khánh Hưng cho rằng, qua ý kiến trả lời, lãnh đạo các Sở thấy rõ trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, để xử lý vấn đề này, cần có sự liên kết và quan hệ chặt chẽ giữa các ngành cũng như là của các cơ quan chính quyền địa phương, kể cả cơ quan thẩm tra, giám sát.
Theo đại biểu, việc triển khai này phải có một giải pháp tổng thể từ khâu quy hoạch đến tổ chức thực hiện và quản lý sau đầu tư. Đặc biệt, tại Khoản 5, Điều 86 của Luật Bảo vệ môi trường quy định trách nhiệm của UBND TP phải xây xây dựng lộ trình và chính sách để xây dựng các trạm xử lý thu gom nước thải tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung đã hình thành trước luật.
"Tôi đề nghị lãnh đạo UBND TP cho biết, sau hai năm Luật bảo vệ môi trường đã được ban hành thì UBND TP đã tổ chức thực hiện xây dựng lộ trình này như thế nào và kết quả hiện nay ra sao?"- đại biểu chất vấn.
Trả lời chất vấn về vấn đề này, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng công trình kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội Hoàng Trọng Tùng cho biết, dự án nhà máy nước thải Yên Xá có chủ trương từ năm 2013. Đến nay đã qua rất nhiều CĐT, Sở Xây dựng, BQL dự án cấp thoát nước và môi trường TP Hà Nội và BQL dự án đầu tư xây dựng công trình kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội. Tại thời điểm tiếp quản, dự án còn tồn tại rất nhiều khó khăn.
Vấn đề này có nguyên nhân chủ yếu từ trách nhiệm của chủ đầu tư qua các thời kỳ, trong đó, chưa giám sát chặt chẽ, cũng như chậm tháo gỡ những vướng mắc để dẫn đến tình trạng chậm trễ. “Khi tiếp quản dự án, chúng tôi nhận thấy sự phân công cán bộ quản lý chưa phù hợp, năng lực cán bộ cũng chưa đáp ứng để thực hiện” – ông Hoàng Trọng Tùng nói.
Cũng tại thời điểm nhận bàn giao, về việc cần phải làm rõ các vấn đề khiến dự án 1 năm không giải ngân, được sự chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP, Ban đã tích cực có các biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc để sau hơn 1 tháng, dự án đã giải ngân được hơn 500 tỉ đồng, tháo gỡ 90% vướng, tiến độ khả quan. Đảm bảo tiến độ đến năm 2025 các gói thầu sẽ hoàn tất.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Minh Tuân (tổ đại biểu huyện Phú Xuyên) cũng cho biết, theo báo cáo của UBND TP, nước thải thu gom xử lý mới đạt 28,8%. Khi hoàn thành dự án xử lý nước thải Yên Xá sẽ nâng khối lượng lên thành 50%. Tuy nhiên, việc triển khai dự án này là rất chậm. 8 năm qua, cả 4 gói thầu vẫn đang thi công, trong đó đặc biệt các gói xây lắp 2, 3, 4 là rất chậm trong khi Thủ tướng Chính phủ vừa ra hạn chủ trương đến năm 2025. Đề nghị Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật công nghiệp cho biết nguyên nhân chậm thuộc về đơn vị nào? Đồng thời, nêu kế hoạch, giải pháp cụ thể để hoàn thành dự án này.
ĐB Hoàng Thúy Hằng (tổ đại biểu quận Đống Đa) đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Xây dựng, hiện nay việc xử lý bùn thải có nguồn phát sinh từ các nhà máy xử lý nước thải đang gặp rất nhiều hạn chế và gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân của tình trạng này là do trên địa bàn TP còn thiếu các điểm, khu vực xử lý nguồn thải tập trung. Đề nghị đưa ra nguyên nhân và giải pháp phục trong thời gian tới.
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, hiện đang thực hiện theo 2 nội dung, một là quy hoạch chuyên ngành 725 về thoát nước và xử lý nước thải TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Thứ hai là thực hiện theo các dự án cụ thể tại khu đô thị, khu nhà ở phải đảm bảo chất lượng xử lý mới được xả ra môi trường.
Đối với các trạm xử lý đã ban hành, chủ đầu tư cần thực hiện chỉnh sửa để đủ điều kiện chấp nhận đưa vào vận hành. Với khu vực chưa có nhà đầu tư, hiện nay Sở đã trình TP ban hành kế hoạch, trong đó đưa vào danh mục các dự án đầu tư xử lý nước thải tập trung các khu vực. Ví dụ Tây Sông Nhuệ, Phú Lương – Kiến Hưng (quận Hà Đông), dự án cải tạo môi trường quận Long Biên đã có 3 nhà máy và đưa vào đầu tư công 2021 – 2025. Sở KH&ĐT phối hợp với BQL Nông nghiệp và Phát triển hạ tầng đề xuất chủ trương, trong năm 2023 sẽ trình toàn bộ các dự án này với UBND TP để thực hiện các bước thông qua đề xuất chủ trương dự án.