Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“4 kế sách” xử lý dứt điểm thực phẩm bẩn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh việc đưa ra báo cáo về tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay, Văn phòng Chính phủ cũng nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp chính trong đề xuất của các bộ, cơ quan tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm.

Theo đó, từ tình hình thực tế và đòi hỏi bức xúc của xã hội cũng như yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thời gian tới, các bộ, cơ quan đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành một Chỉ thị về bảo đảm ATTP với nhiều giải pháp mới, quyết liệt và cụ thể gắn với đề cao trách nhiệm của các cơ quan, công chức Nhà nước.

Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về ATTP

Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh một số giải pháp chính trong đề xuất của các bộ, cơ quan. Cụ thể, một là, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của chính quyền địa phương: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về ATTP trên địa bàn; coi đây là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho công tác này; xác định việc bảo đảm ATTP là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa.

Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP của cơ quan nhà nước cấp dưới; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Các địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP và hình thành hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; kết nối người tiêu dùng với thực phẩm an toàn.

Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với ngành hàng được phân công, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP.

Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm ATTP, điều tra, khởi tố một số vụ án điểm trong lĩnh vực ATTP theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Sớm có phương án kinh phí cho công tác quản lý ATTP theo hướng cho phép các địa phương chủ động sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm ATTP và có kinh phí tăng cường từ ngân sách nhà nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác này, đặc biệt là kinh phí cho kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Trước mắt, ứng trước từ ngân sách cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2016.

 Tuyên truyền trung thực, khách quan, kịp thời về thực phẩm an toàn 

Đây là giải pháp thứ hai được Văn phòng Chính phủ đưa ra dựa trên đề xuất của các bộ, cơ quan. Cụ thể, các cơ quan báo chí tăng cường các bài viết, chuyên mục về ATTP; tăng cường đưa tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về thực phẩm an toàn, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm ATTP. Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương thực hiện hiệu quả chương trình truyền thông về ATTP. Đài Tiếng nói Việt Nam khẩn trương xây dựng và phát sóng chuyên mục về ATTP.

Lập đường dây nóng về ATTP

Giải pháp thứ ba được Văn phòng Chính phủ nêu ra là phát huy vai trò của Nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm ATTP. Các bộ, ngành, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm ATTP giữa Chính phủ và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tập trung thực hiện tại một số địa bàn trọng điểm và địa phương theo sự thống nhất với Mặt trận Tổ quốc.

Các bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an, Bộ đội biên phòng và các địa phương có cơ chế phù hợp (như đường dây nóng) để tiếp nhận phản ánh của Nhân dân, báo chí về vi phạm ATTP và xử lý nghiêm, kịp thời; có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Năm 2016, xử lý dứt điểm dùng salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong sản xuất

Giải pháp cuối cùng được nêu ra cho năm 2016 là tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2016 một số vấn đề sau đây: Việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất, thuốc trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm; tập trung xử lý dứt điểm việc sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Bộ Y tế siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, bảo đảm vệ sinh an toàn, vệ sinh trong ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp. Bộ Công Thương siết chặt quản lý việc ngăn chặn nhập lậu rượu giả, nước giải khát không truy xuất được nguồn gốc.

UBND tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các điểm nóng về an toàn thực phẩm đang được dư luận và xã hội quan tâm trên địa bàn.