Trong đó 4 nhóm giải pháp trước mắt có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cần tập trung triển khai nhanh, mạnh, dứt khoát với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô.
Tận dụng, tối ưu hóa hạ tầng sẵn có
Những ngày cao điểm Tết vừa qua là khi áp lực giao thông tại Hà Nội tăng nóng nhất, gây rất nhiều khó khăn, lo ngại cho Nhân dân TP. Thực trạng các tuyến đường từ Vành đai cho đến trục chính đô thị, phố lớn, ngõ nhỏ đâu đâu cũng chật ních xe cộ là cảnh báo mạnh mẽ về tình trạng gia tăng phương tiện cá nhân vượt quá sức chịu đựng của hạ tầng.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, giải quyết UTGT đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của TP. Mới đây Sở GTVT đã trình lên TP Đề án tổng thể giảm thiểu UTGT trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo. Trong đó có 8 nhóm giải pháp lâu dài và 4 nhóm giải pháp trước mắt.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, 4 nhóm giải pháp trước mắt có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không kém gì các nhóm giải pháp lâu dài. Hơn nữa còn đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc tập trung, gấp gáp, nhằm triển khai và sớm có hiệu quả”.
Nhóm giải pháp thứ nhất trước mắt là có phương án khẩn cấp và cụ thể, tập trung vào việc tối ưu hóa hạ tầng giao thông hiện tại. Sở GTVT Hà Nội cần khẩn trương rà soát lại toàn bộ công tác tổ chức giao thông trên địa bàn TP để kịp thời có giải pháp điều chỉnh phù hợp.
Trong đó, tập trung xử lý ngay 33 vị trí UTGT đã được xác định nhưng chưa kịp thời giải quyết.
Rà soát, đánh giá hiện trạng để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn mở rộng mặt đường, xây dựng các cầu vượt nhẹ bằng thép tại các vị trí nút giao để tăng khả năng thông hành, tăng diện tích đất dành cho giao thông. Sở GTVT Hà Nội cũng đã trình lên danh mục 5 cầu vượt nhẹ cấp thiết phải xây dựng ngay để xóa xung đột giao thông tại các nút giao: Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; Cổ Linh - Thạch Bàn; Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân; Cổ Bi - Ngô Xuân Quảng; Nguyễn Huy Nhuận - Lý Thánh Tông.
Bên cạnh đó, cần tăng cường các lực lượng chức năng để điều tiết, hướng dẫn giao thông tại các tuyến đường, nút giao, vị trí có lưu lượng tham gia giao thông cao vào giờ cao điểm. Tăng cường công tác duy tu, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông nhằm bảo đảm mặt đường êm thuận. Đặc biệt phải tiếp tục rà soát, yêu cầu chủ đầu tư một số khu đô thị (đã xác định 16 chủ đầu tư) trên địa bàn TP khẩn trương tháo dỡ rào chắn để kết nối giao thông; hoàn thành đầu tư các tuyến kết nối với đường hiện hữu để tăng khả năng thông hành.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng giao thông trên địa bàn TP đang triển khai, bảo đảm hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ được giao. Trong quá trình thực hiện phải có biện pháp thi công khoa học, hợp lý để không tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và không để UTGT.
Nâng cao ý thức, văn hóa giao thông
Nhóm giải pháp thứ hai là nâng cao nhận thức cộng đồng, tuyên truyền thay đổi thói quen tham gia giao thông. TP cần tổ chức các chiến dịch tuyên truyền để định hình thói quen di chuyển của người dân, khuyến khích việc chia sẻ xe hoặc sử dụng phương tiện công cộng.
Cần tuyên truyền và khuyến khích các DN cho phép nhân viên làm việc từ xa hoặc thay đổi giờ làm việc để giảm lượng người tham gia giao thông cùng một lúc. Đây cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm quản lý nhu cầu giao thông. Quản lý tốt nhu cầu giao thông sẽ gảm tải cho hạ tầng đáng kể.
Ngoài ra, cần tăng cường tần suất và mở rộng các tuyến xe buýt. Bảo đảm xe buýt, tàu điện hoạt động đúng giờ, sạch sẽ và an toàn để nâng cao trải nghiệm của hành khách, qua đó khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng. Cần tuyên truyền để người dân sử dụng các ứng dụng theo dõi lưu lượng giao thông (như Google Maps, Waze) để có thông tin về tình hình giao thông và điều chỉnh lộ trình di chuyển cho phù hợp, tránh dồn ứ lưu lượng vào cùng một khu vực trong cùng thời điểm.
Thứ ba là nhóm giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc tại các khu vực cổng trường học, bệnh viện, nơi tập trung mật độ giao thông cao vào giờ cao điểm. Đây là những khu vực đặc thù cần cả các biện pháp lâu dài lẫn trước mắt. Trong khi chờ đợi các cơ sở tập trung đông nhu cầu đi lại này được di dời ra những vị trí thích hợp, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông hợp lý khu vực cổng trường học, bệnh viện, cũng như những địa điểm thường xuyên tập trung mật độ giao thông cao.
Bố trí lực lượng Thanh tra GTVT phối hợp với Công an TP và các lực lượng liên quan phân luồng hướng dẫn giao thông vào các giờ cao điểm. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm dừng đỗ trái quy định, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè gây mất an toàn giao thông.
Thứ tư là nhóm giải pháp khắc phục nhanh các cự cố giao thông; ảnh hưởng của thời tiết mưa bão gây ra tình trạng ngập úng cục bộ. TP cần giao các đơn vị liên quan tăng cường rà soát điều chỉnh tổ chức giao thông, hệ thống an toàn giao thông để hạn chế va chạm như: điều chỉnh tốc độ khai thác, biển báo, lắp đặt bổ sung hệ thống phản quang, chiếu sáng, gờ giảm tốc…
Các giải pháp nữa gồm: xây dựng phương án bố trí phương tiện cứu hộ và lực lượng để kịp thời xử lý, giải tỏa, phân luồng giao thông tại khu vực va chạm và khu vực lân cận, trả lại mặt đường cho các phương tiện lưu thông; xây dựng kế hoạch cảnh báo các vị trí úng ngập cục bộ phục vụ cho công tác bố trí lực lượng phân luồng, hướng dẫn giao thông; tiếp tục thông tin tình trạng tai nạn, ùn tắc giao thông, các vị trí bị úng ngập cục bộ khi mưa bão lên VOV giao thông và các cơ quan báo đài để người tham gia giao thông biết và lựa chọn hướng đi phù hợp.
Lực lượng CSGT cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật, trật tự, an toàn giao thông. Đẩy mạnh việc áp dụng, xử lý vi phạm bằng hình ảnh (phạt nguội); tối ưu hóa sử dụng hệ thống camera hiện có để xử lý vi phạm.
Tổ chức nghiên cứu điều chỉnh, nâng mức xử lý vi phạm giao thông theo các cơ chế đặc thù của Luật Thủ đô, nhằm đủ sức răn đe, nâng cao ý thức, tạo sự chuyển biến rõ rệt của người tham gia giao thông.