Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

400.000 người bị vật nuôi cắn: Chưa hết mối lo bệnh dại

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa, tuy nhiên, năm nào tại Việt Nam cũng ghi nhận số lượng lớn người bị tử vong do bệnh dại. Điều này đòi hỏi các cấp, bộ ngành cần tiếp tục có những giải pháp căn cơ.

Tiêm phòng là giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa bệnh dại trên động vật nuôi.
Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), năm 2019, cả nước ghi nhận 77 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại 31 tỉnh, giảm 19 trường hợp so với năm 2018. Mặc dù vậy, tổng số người bị động vật nuôi cắn, phải đi điều trị dự phòng sau phơi nhiễm vẫn lên tới trên 400.000 người. Tính từ tháng 1/2020 đến nay, cả nước ghi nhận 4 ca tử vong do bệnh dại, tương đương cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, Hà Nội cũng có 1 trường hợp. Trước đó, trong các năm từ 2015 – 2018, Hà Nội đã xảy ra tổng cộng 8 trường hợp bị chết do căn bệnh đặc biệt nguy hiểm này.
Một trong những nguyên nhân tử vong do bệnh dại trên người được Cục Thú y đưa ra là do chủ quan. Hầu hết các trường hợp khi bị chó cắn đã không đi tiêm phòng. Thêm nữa, việc mua chó không rõ nguồn gốc, không tiêm phòng bệnh dại định kỳ cũng là những nguyên nhân gây tử vong lớn trên người khi không may bị chó cắn…
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, nguy cơ xảy ra bệnh dại hiện rất cao, do tổng đàn chó nuôi trên lên tới gần 7,4 triệu con. Cả nước hiện có 4,7 triệu hộ gia đình có nuôi chó. Mặc dù tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó có tăng trong những năm qua, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đặt ra. Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó đạt 38,5%. Đến năm 2017, con số này tăng lên 51%. Năm 2018, tỷ lệ này đạt 55%, nhưng đến năm 2019 lại giảm còn 46%. Bên cạnh đó, chỉ có 14/63 tỉnh, TP có tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 70% (trong đó có Hà Nội).
Đại diện Cục Thú y cho biết thêm, hiện nay, Bộ NN&PTNT đã xây dựng được vùng an toàn bệnh dại tại TP Hồ Chí Minh; huyện Côn Đảo và TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Mới đây nhất, Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên của khu vực phía Bắc được công nhận có vùng an toàn bệnh dại tại quận Thanh Xuân.
Thời gian tới, Cục Thú y sẽ tập trung triển khai các nội dung của “Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 – 2021”. Trọng tâm là tăng cường công tác quản lý đàn chó nuôi và tiêm phòng bệnh dại. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo giám sát các ca bệnh dại trên động vật nuôi từ các địa phương. Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để xác định các điểm nóng về bệnh dại, từ đó, kịp thời khoanh vùng và có giải pháp ngăn chặn...