Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

41 tác phẩm văn học đạt giải đề tài thương binh - liệt sĩ

Thuỷ Trúc - Ảnh: Mạnh Dũng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tất cả các tác phẩm đạt giải đều nhằm tôn vinh lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để đất nước được hòa bình, thống nhất, độc lập tự do”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định.

Chiều nay (17/7), Bộ LĐTB&XH phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thương binh - liệt sĩ và người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017). 
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trao giải cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải Nhất.
Được phát động từ tháng 1/2017 đến tháng 6/2017, Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng từ các nhà văn, nhà thơ, các cây bút chuyên nghiệp khắp mọi miền Tổ quốc, với hơn 800 tác phẩm tham dự. Trong đó, có nhiều tác phẩm mới sáng tác chưa từng công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ban tổ chức đã làm việc khẩn trương, tập trung chọn ra 41 tác phẩm tiêu biểu để trao các giải thưởng.
“Các tác phẩm băn học nghệ thuật viết về đề tài thương binh, liệt sĩ được xét chọn trải dài suốt 70 năm (từ năm 1947 đến năm 2017). Rất nhiều tác phẩm văn học tạo dấu ấn lớn trong lòng bạn đọc, đi cùng năm tháng, gắn bó với nhiều thế hệ người Việt Nam. Cũng như hun đúc ý chí, quyết tâm, lý tưởng cách mạng của nhiều thế hệ thanh niên nhập ngũ lên đường cầm súng chiến đấu với quân thù vì độc lập, tự do, hòa bình thống nhất của Tổ quốc”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Theo Bộ trưởng Dung, 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam luôn là đề tài được các văn nghệ sĩ quan tâm, tìm tòi và thể hiện qua các tác phẩm. Tất cả đều nhằm tôn vinh sự hy sinh cao cả, lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để đất nước được hòa bình, thống nhất, độc lập tự do.

Trong khi đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, có đủ thể loại tham gia cuộc thi, bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, ký sự, thơ, trường ca và thơ.

38 tác phẩm đoạt giải chính thức có 18 tập thơ và 20 tập văn xuôi được chọn để trao giải thưởng là một bức tranh thu nhỏ của cách mạng Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Nhiều sự kiện lịch sử như các vụ thảm sát đầu độc của Mỹ Diệm từ năm 1959 đến 1964, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa xuân 1968, 12 ngày đêm trong trận Điện Biên Phủ trên không chống lại cuộc chiến tranh xâm lược bằng B52 của Mỹ ở Thủ đô Hà Nội năm 1972 hay cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng ở các nhà tù của Pháp và Mỹ. Và điều đặc biệt, những chiến sĩ cách mạng kiên cường ấy lại là các nhà văn, nhà thơ đã từng ở trong lao tù. Đặc biệt có tác phẩm mà một trong những tác giả là thân nhân của các liệt sĩ. Các anh viết cho người thân mình trước khi vào trận đánh…

Về mặt nghệ thuật, 38 tác phẩm đoạt giải là 38 cách tiếp cận hiện thực với giọng điệu và phong cách khác nhau. Có tác phẩm là những áng văn được chau chuốt kỹ lưỡng đến từng con chữ. Lại có tác phẩm để mộc, như một dạng nhật ký hay những ghi chép nhưng lại xúc động đến mức ám ảnh.

Phần văn xuôi, giải Nhất có 3 tác phẩm gồm: “Những ngôi sao của mẹ” của tác giả Hoàng Đình Quang; “Dặm đường gian truân” tác giả Hồ Duy Lệ; “Máu và tội ác” của tác giả Nguyễn Tam Mỹ. Cùng với đó là 6 giải Nhì, 5 giải Ba, 6 giải Tư

Phần thơ, không có giải Nhất. 2 giải nhì thuộc về tác phẩm “Những hồi chuông màu đỏ” của tác giả Nguyễn Hữu Quý; “Anh hùng Lò Văn Giá” (Trường ca) của tác giả Dương Tam Kha. Và 11 giải Ba, 5 giải Tư.

Ban tổ chức trao 3 giải tôn vinh cho tác giả Lê Văn Ba với tác phẩm “Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược”; tác giả Đặng Vương Hưng (biên soạn) với tác phẩm “Mãi mãi tuổi 20” và tác giả Minh Chuyên với tác phẩm “Người không cô đơn”.