442 tỷ đồng phát triển dạy nghề cho lao động tại Thừa Thiên Huế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để thực hiện được các mục tiêu trên, tỉnh xác định sẽ tập trung rà soát, bổ sung hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề đến năm 2020 theo nghề.

KTĐT - Để thực hiện được các mục tiêu trên, tỉnh xác định sẽ tập trung rà soát, bổ sung hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề đến năm 2020 theo nghề và cấp trình độ đào tạo theo ngành, vùng, địa phương, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 sẽ có 5 trường cao đẳng nghề, 7 trường trung cấp nghề (trong đó có 4 trường ngoài công lập), phát triển thêm 10 cơ sở dạy nghề thuộc các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Nhằm nâng cao hiệu quả dạy nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đề án Phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu đưa tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 70% vào năm 2020. 

Đặt mục tiêu cụ thể cho Đề án này, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu giai đoạn 2011-2015 đào tạo nghề cho 124.620 lao động, trong đó, cao đẳng nghề 13.710 người (chiếm 11%), trung cấp nghề 24.300 người (chiếm 19,5%), sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 86.610 người (chiếm 69,5%).

Tiếp đến giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đào tạo nghề cho 81.280 lao động, trong đó, cao đẳng nghề 13.800 người (chiếm 17%), trung cấp nghề 30.900 người (chiếm 38%), sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 36.600 người (chiếm 45%). Đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, tỉnh xác định sẽ tập trung rà soát, bổ sung hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề đến năm 2020 theo nghề và cấp trình độ đào tạo theo ngành, vùng, địa phương, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 sẽ có 5 trường cao đẳng nghề, 7 trường trung cấp nghề (trong đó có 4 trường ngoài công lập), phát triển thêm 10 cơ sở dạy nghề thuộc các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục phát triển hệ thống dạy nghề theo hướng tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo chuyên sâu, phấn đấu đưa từ 1 đến 3 trường trở thành trường trọng điểm quốc gia; nâng cấp 1 trường trung cấp nghề thành trường cao đẳng nghề. Tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; tăng cường cơ sở vật chất; đẩy mạnh việc cập nhật, biên soạn đổi mới chương trình, giáo trình nhằm đảm bảo chất lượng dạy nghề.

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án này của tỉnh Thừa Thiên Huế ước khoảng 442 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư giai đoạn 2011-2015.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho dạy nghề, tỉnh sẽ thực hiện phương án lồng ghép các nguồn lực; đẩy mạnh các giải pháp xã hội hóa trong việc huy động nguồn lực dạy nghề; đồng thời, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý dạy nghề.


Đào tạo nghề là nhu cầu cấp thiết


Theo số liệu điều tra, lao động trong khu vực nông nghiệp và nông thôn ở Thừa Thiên Huế những năm gần đây chỉ có hơn 13% đã qua đào tạo nghề. Cứ 1.000 lao động ở nông thôn thì mới có 6 đến 8% số người được đào tạo kỹ thuật về nông, lâm, ngư nghiệp; 79% số lao động thuần nông không có chuyên môn kỹ thuật. Hơn 80% số người trong độ tuổi lao động ở các hộ phi nông nghiệp không qua đào tạo. Chất lượng của lực lượng lao động trẻ ở nông thôn còn thấp.


Theo tính toán, để đạt được mức tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 12-13% cho các thời kỳ sau năm 2010 và năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 4.000 USD, mỗi năm tỉnh Thừa Thiên- Huế cần phải đào tạo nghề cho khoảng 20 nghìn lao động.

Do phần lớn lao động không được đào tạo nghề, cho nên ngành nghề ở khu vực nông thôn chậm phát triển, năng suất lao động thấp, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động chưa cao. Tiềm năng về đất đai, sức lao động chưa được khai thác có hiệu quả, dẫn đến đời sống người dân nông thôn còn nhiều khó khăn; mức thu nhập của lao động khu vực nông thôn còn chênh lệch xa so với lao động khu vực thành thị.


Hiện nay, dẫu đội ngũ giáo viên dạy nghề tăng từ 210 lên 753 giáo viên, trong đó có 71 giáo viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; 489 người có trình độ đại học, cao đẳng; 614 giáo viên đạt chuẩn, tuy nhiên, số giáo viên có trình độ cao chủ yếu tập trung vào các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có dạy nghề của trung ương và địa phương. Riêng giáo viên của các trường, trung tâm có dạy nghề vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, nhất là các trung tâm dạy nghề cấp huyện chưa có giáo viên cơ hữu. Có trung tâm chỉ có 3 giáo viên cho nên rất khó trong công tác giảng dạy và chiêu sinh.


Mặc dù vậy, nhìn chung 10 năm qua (2001-2010), công tác dạy nghề của Thừa Thiên Huế đã có chuyển biến tích cực. Hệ thống đào tạo nghề của tỉnh tăng về quy mô và chất lượng. Tổng số lao động của tỉnh đã qua đào tạo là hơn 140.000 người. Trong đó, có khoảng 70% số học sinh sau khi tốt nghiệp có việc làm hoặc tự tạo việc làm ổn định. Ước tính đến cuối năm 2010, sẽ có 40% số lao động qua đào tạo nghề.

Kinh tế đô thị cuối tuần