Chiều 14/12, ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì buổi họp báo thường kỳ do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức nhằm thông tin một số tình hình kinh tế - xã hội của TP.
Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương đã thông tin về công tác chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 trên địa bàn TP.
Theo đó, về tình hình giá cả thị trường, năm 2023 là năm đầu tiên TP triển khai chương trình bình ổn thị trường theo quy chế. Doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đồng thuận, đồng hành và tuân thủ nghiêm các quy định của chương trình; góp phần ổn định giá cả, không để xảy ra khan hàng, thiếu hụt nguồn cung cục bộ gây sốt giá; chỉ số CPI tháng 11/2023 của TP tăng 2,61% so với cùng kỳ 2022, thấp hơn cả nước (CPI tháng 11/2023 của cả nước tăng 3,45% so với cùng kỳ năm 2022).
Cũng theo ông Nguyễn Nguyên Phương, trước tình hình thị trường xăng dầu, tỷ giá, giá cả nguyên vật liệu cơ bản…, tiếp tục biến động phức tạp, tạo áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất trong nước, nhất là đối với hoạt động sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu những tháng cuối năm và giáp Tết Nguyên đán.
Đến nay có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Những doanh nghiệp này là đầu mối của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông, phân phối; là các doanh nghiệp hương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao. Về nguồn vốn chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn, doanh nghiệp bình ổn thị trường đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Hiện nay, tại 3 chợ đầu mối và 221 chợ truyền thống, lượng nông sản cung ứng thị trường TP thông qua 3 chợ đầu mối đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm: 800 tấn thịt gia súc, gia cầm; 1.200 tấn thủy hải sản; 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000-15.000 tấn/ngày.
Về lượng hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25%- 43%; bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản…
Đối với mặt hàng gạo, thời gian qua, tình hình thị trường, chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu diễn biến rất phức tạp, nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hoạt động xuất khẩu lúa mì của Ukraine bị gián đoạn (chiếm 10% thị trường lúa mì thế giới, 15% ngô và 13% lúa mạch), hàng loạt quốc gia lần lượt áp lệnh cấm xuất khẩu lương thực như Ấn Độ (gạo, lúa mì, đường), Nga (gạo, lúa mì), Thổ Nhĩ Kỳ (ngũ cốc), Kyrgyzstan (ngũ cốc)…, mùa màng tại Pakistan không thuận lợi, Thái Lan khuyến khích người dân giảm trồng lúa,…
Trước tác động trên, giá lương thực thế giới đã tăng mạnh, trong đó giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 40%. Cụ thể, ngày 6/12, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm ở mức 663 USD/tấn, tăng 40,2% so đầu năm; gạo 25% tấm ở mức 643 USD/tấn, tăng 41,9% so đầu năm. Tình hình trên đã tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu gạo, có lợi cho nông dân, Việt Nam đã lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng năm 2023, con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới.
Giá gạo xuất khẩu tăng cũng đặt ra thách thức lớn đối với nhiệm vụ bình ổn thị trường nội địa. TP đã sớm chỉ đạo Sở Công Thương theo dõi sát sao diễn biến này vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong nước và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.
Để tăng nguồn lực bình ổn thị trường gạo, Sở Công Thương đã vận động, mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia, đồng hành cùng TP trong thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường trên địa bàn với những cam kết cụ thể: cung cấp đủ gạo trong mọi tình huống, giá cả hợp lý, gạo không chất bảo quản, chất lượng an toàn.
Đối với kênh phân phối hiện đại, hiện trên địa bàn TP có 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Kênh phân phối này đã ký hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết. Trong những ngày cận Tết, các đơn vị sẵn sàng phương án tăng lượng hàng từ 2-3 lần so với ngày thường; đồng thời có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng.
Cụ thể, từ ngày 20 đến 27/12 tháng Chạp, mở cửa từ 7 – 23 giờ đêm. Từ ngày 28 đến 29/12 tháng Chạp, mở cửa từ 6 – 24 giờ đêm. Ngày 30 Tết, mở cửa từ 6 – 12 giờ trưa. Ngày mùng 2 Tến Nguyên đán, các cửa hàng khai trương năm mới lúc 8 giờ sáng.
Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết Nguyên đán, mở cửa từ 8 – 12 giờ trưa. Mùng 6 Tết, hoạt động kinh doanh bình thường.
Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Đồng thời, thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...