45 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Hào hoa trong lửa đạn

Hải Miên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuy không sinh ra trong những ngày cả Hà Nội quật cường trong bom đạn cuối năm 1972, nhưng tôi được gặp nhiều nhân chứng sống và chiến đấu trong Chiến dịch 12 ngày đêm năm ấy.

Trong ký ức họ, mảnh đất Hà thành kiên trung, anh dũng, luôn thể hiện sự hào hoa thanh lịch trong đời sống và chiến đấu.
Kiên trung, anh dũng

Nhớ lại những ngày cả Hà Nội tạo nên thế trận Nhân dân, nhà báo Đỗ Quảng - người có mặt trực tiếp, phản ánh không khí chiến đấu của lực lượng tự vệ trong Chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972 hồi tưởng: “Đêm 26/12 khi tôi đang viết bài thì nghe rung chuyển TP. Ngửa mặt nhìn lên, tên lửa bay đỏ ngang dọc như dệt gấm thêu hoa trên trời đêm Hà Nội. Trận đánh diễn ra rất nhanh, trong vòng 20 phút, đã có tin Hà Nội hạ 5 chiếc B52 và bắt sống nhiều phi công. Một loáng sau đó có tin giặc lái bị bắt ở Bát Tràng, người dân đất bãi đã bắt gọn”.

Cô gái ở làng hoa Ngọc Hà (Ảnh tư liệu)

Nhiều nhân chứng khác là những người tự vệ trong nhà máy, xí nghiệp cho biết, khi đó cả Hà Nội đã được chia ô, khoanh góc, chia nhau đặt bệ phóng tên lửa và pháo tầm cao. Từ người dân cho đến pháo thủ, từ nhà báo đến bác sĩ trong bệnh viện, mỗi người đều cố gắng đóng góp sức mình vì Thủ đô. Nhà báo Đỗ Quảng chia sẻ: “Những pháo thủ sao vuông, khoác áo thợ đã có một chuỗi ngày học bắn với tốc độ kỷ lục. Họ luyện tập đam mê như học tiện trục máy và nặn khuôn đúc trong những ngày ở nhà máy. Qua một đợt huấn luyện, cán bộ cấp trên xuống kiểm tra, dẫu ai khó tính nhất, nhìn các động tác lao đạn, bắt tầm bay, tầm bắn của họ với cặp mắt chuyên gia khắt khe nhất cũng đều hài lòng. Chuẩn bị như thế làm sao mà không phát huy hết sức mạnh!”.

Và hào hoa

Suốt 12 ngày đêm, đêm nào Hà Nội cũng nổ súng, nhìn về hướng nào cũng thấy máy bay cháy đỏ trời. Ngay sau khi tắt tiếng bom, nhiều người đã đi cứu sập, cứu người, các sinh hoạt khác được làm khẩn trương. Ngay cả việc chơi đàn guitar vẫn được duy trì, như nhà thơ Vương Tâm chia sẻ, điều đó thể hiện sức sống quật cường của người Hà Nội. Nhiều người chẳng còn sợ tiếng bom, thay vì sợ hãi chọn cách sống chung. Có những đội tự vệ “lì” với tiếng bom, nên hễ “bọn F111” lao đến là giương nòng pháo lên. Có pháo thủ còn kể: Nhiều đêm, Hà Nội chiến đấu, đèn đường tắt hết, các chiến sĩ lái xe của chúng ta chở những thằng giặc lái vừa bị bắt trong đợt nổ súng đầu tiên, phóng với tốc độ sáu bảy chục cây số dưới ánh sáng của tên lửa bay, của tầng pháo cao và súng tầm thấp giăng đầy mặt đất đi vào trại giam...

Pháo thủ Phạm Thị Viễn - cô gái thắt khăn tang bên mâm pháo năm xưa, giờ sống bình yên trong ngôi nhà nơi con ngõ dài trên phố Trương Định. Bà đã trực tiếp chiến đấu trên mâm pháo đêm 22/12/1972 bắn hạ F111. Bà nhớ rõ, khoảng 20 giờ 30 có báo động, máy bay địch cách Hà Nội 80km, tất cả vào vị trí chiến đấu. Khi tốp máy bay xuất hiện mỗi lúc một gần, sát mặt nước sông Hồng, nghe lệnh, bà Viễn cùng các chị em nổ súng. Bà ở vị trí pháo thủ số 1 nên thấy rất rõ chiếc F111 bị trúng đạn.

Nhiều nhà văn hóa chia sẻ, người Hà Nội kiên cường, bất khuất, nhưng cũng rất hào hoa, thanh lịch. Dù trong khói lửa đạn bom thì nét hào hoa, thanh lịch vẫn thể hiện rõ nét. Thủ đô máu và hoa, đầy thương tích chiến tranh đã hồi sinh từ trong cốt tủy. Trong đì đùng tiếng súng, rầm rĩ tiếng bom, những gánh hàng hoa của làng Ngọc Hà vẫn đều đặn đi về, thú chơi hoa tao nhã của người Hà Nội từ bao đời, ngay trong khói lửa vẫn không mai một. Ông Nguyễn Văn Trung - thành viên của đội tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động chia sẻ: “Cuối năm 1972, đón Xuân năm 1973, các chợ hoa ở Hà Nội vẫn rực rỡ các loài hoa, đào, quất. Điều đó dễ thấy nhất là ở chợ hoa Hàng Lược. Chứng tỏ trong bom đạn, người dân vẫn lao động, sản xuất, trồng hoa. Những đôi quang gánh hao gầy, gánh những bông hoa còn ngậm sương đi chênh chao bên những tòa nhà đổ nát vì đạn bom, đã trở thành một biểu tượng đẹp của tâm hồn người Tràng An”.