47 triệu vật nuôi bị tiêu hủy do bệnh cúm gia cầm trong 15 năm qua

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/3, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai “Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025”.

Thông tin tại hội nghị, đại diện Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, cuối năm 2003, bệnh cúm gia cầm A/H5N1 lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Dịch đã xuất hiện tại 2.043 xã, phường, thị trấn (chiếm khoảng 18,3% tổng số xã trên cả nước), khiến 45 triệu con gia cầm bị tiêu hủy. Từ năm 2007 đến năm 2013, bệnh cúm gia cầm phát sinh rải rác trên đàn gia cầm nhỏ lẻ, khiến trung bình mỗi năm phải tiêu hủy khoảng 200.000 con gia cầm.
Quang cảnh hội nghị.
Trong giai đoạn 2014 đến tháng 3/2019, khoảng 90.000 con gia cầm cũng bị tiêu hủy mỗi năm. Như vậy, thống kê trong khoảng 15 năm qua, đã có hơn 47 triệu con gia cầm bị tiêu huỷ do bệnh cúm gia cầm.
Không chỉ gây bệnh dịch trên đàn gia cầm, năm 2003 cũng ghi nhận cúm gia cầm ảnh hưởng đến con người. Theo đó, từ năm 2003 đến tháng 4/2014, cả nước có 127 người bị lây nhiễm cúm gia cầm; 65 người mắc bệnh đã tử vong. Từ tháng 4/2014 đến nay, cả nước không có người bị bệnh, chết vì cúm gia cầm; không có virus cúm A/H5N7 xâm nhiễm vào Việt Nam.
Trong giai đoạn 2014 đến tháng 3/2019, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Trung bình mỗi năm các tỉnh bố trí kinh phí mua khoảng 180 triệu liều vắc xin cúm gia cầm, và khoảng 180 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Đến nay, cả nước có 17 phòng thí nghiệm đủ năng lực xét nghiệm bệnh cúm gia cầm.
Cục Thú y cũng đã phối hợp với Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE) tổ chức lấy mẫu giám sát bệnh cúm gia cầm hàng năm. Đặc biệt là xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đến nay, cả nước đã có 6 vùng (cấp huyện) và 654 cơ sở chăn nuôi gia cầm tại 28 tỉnh, TP đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.
Trước nguy cơ bệnh cúm gia cầm, ngày 13/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 172/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025”. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, kế hoạch sẽ tập trung vào 12 nội dung, giải pháp chính. Trọng tâm là phân vùng dể có cơ sở kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh cúm gia cầm; giám sát dịch bệnh; xử lý dịch bệnh; tiếm vắc xin phòng bệnh; kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, quản lý kiểm soát chợ buôn bán gia cầm sống; kiểm soát giết mổ, ấp nở gia cầm; vệ sinh tiêu độc khử trùng; xây dựng vùng, chuỗi cơ sở an toàn dịch bệnh…
Mục tiêu là kiểm soát, khống chế, không để dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan diện rộng, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của bệnh cúm gia cầm đối với sức khoẻ cộng đồng.