5 giải pháp “làm ấm” thị trường BĐS

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thị trường bất động sản (BĐS) "đóng băng" trong thời gian dài gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, để tháo gỡ, Chính phủ, các bộ, ngành đã có những phương án giải cứu, các doanh nghiệp thi nhau hạ giá bán để đẩy hàng tồn nhưng kết quả không mấy khả quan.

 Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (Horea) đã đề xuất 5 giải pháp chính để tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường. Các giải pháp được đưa ra cho thấy, để “làm ấm” thị trường cần có lộ trình chính sách từ ngắn, trung đến dài hạn.

Giải pháp đầu tiên mà Horea đề xuất đó là chính sách, cơ chế hỗ trợ để giải quyết hàng tồn kho. Cụ thể, cần hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà với lãi suất khoảng 8%/năm trong thời hạn 5 - 10 năm. Đồng thời, đề nghị Nhà nước có kế hoạch mua lại các dự án căn hộ có diện tích phù hợp để phục vụ chương trình tái định cư và làm quỹ nhà ở xã hội.
 
Bên cạnh đó, mở rộng điều kiện cho người nước ngoài được sở hữu căn hộ tại Việt Nam. Tuy nhiên Horea cho rằng với đối tượng người nước ngoài mua nhà cần có thêm hai điều kiện, chỉ được mua căn hộ có mức giá không thấp hơn 30 triệu đồng/m2 và chỉ được mua căn hộ tại những khu vực được quy định để đảm bảo an ninh, an toàn để tránh tình trạng người nước ngoài cạnh tranh với người thu nhập thấp trong nước.
 
5 giải pháp “làm ấm” thị trường BĐS - Ảnh 1
 
Một góc Khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông.    Ảnh: Quỳnh Anh
 
 
Thứ hai, tập trung giải quyết nợ xấu của doanh nghiệp BĐS, xem xét cho các doanh nghiệp BĐS được cơ cấu lại các khoản nợ vay cũ đang chịu lãi suất rất cao (trên dưới 20%/năm) để chuyển sang hưởng mức lãi suất theo chính sách hiện nay. Đồng thời, xem xét cho các doanh nghiệp được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới để tiếp tục hoàn thiện công trình.
 
Ngoài ra, Horea cũng kiến nghị Chính phủ cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ kinh doanh sản phẩm của doanh nghiệp và giãn tiến độ nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Hiệp hội cũng đề nghị sửa đổi Thông tư số 16/2010 ngày 1/9/2010 của Bộ Xây dựng, để cho phép người mua căn hộ đã có biên bản bàn giao căn hộ, nhưng chưa có chủ quyền được chuyển nhượng căn hộ.
 
Thứ ba, cho phép điều chỉnh công năng dự án, điều chỉnh quy hoạch chi tiết và thiết kế căn hộ theo hướng tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của người tiêu dùng. Đồng thời, cho phép điều chỉnh công năng các dự án nhà ở để sử dụng có hiệu quả đất dự án vào các mục đích thương mại, dịch vụ… theo cam kết của chủ đầu tư với chính quyền địa phương.
 
Horea đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành mới bộ quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế chung cư căn hộ vừa và nhỏ để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện. Đồng thời, bãi bỏ quy định tỷ lệ căn hộ trong chung cư theo công thức 1 - 2 - 1 (25% căn hộ diện tích nhỏ, 50% căn hộ diện tích trung bình, 25% căn hộ diện tích lớn), mà để doanh nghiệp tự lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và phù hợp với quy hoạch…
 
Thứ tư, Horea kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành có biện pháp tổng thể để làm giảm mặt bằng giá BĐS ở Việt Nam bằng cách giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp vì đây là một thành phần chính hình thành giá BĐS. Giải pháp thứ 5 mang tính "dài hơi" với đề nghị đưa chương trình - mục tiêu quốc gia về phát triển căn hộ cho thuê giá bình dân (khoảng 2 triệu đồng/căn hộ/tháng) vào Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia để đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị và góp phần làm thay đổi nhận thức, thói quen cũ.
 
Bên cạnh đó, cần có chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển căn hộ bán trả góp dài hạn 20 - 30 năm với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho người có một phần điều kiện tài chính và có thu nhập ổn định có khả năng sở hữu căn hộ.q