Trong những ngày vừa qua, khu vực miền Trung xảy ra mưa lớn, nhất là các tỉnh, TP từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam. Mưa lớn đã gây ngập lụt, sạt lở, thiệt hại không nhỏ về người và tài sản của Nhân dân.
Đáng lo ngại, theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa lớn từ 70 - 150mm, có nơi trên 200mm trong những ngày tới. Đợt mưa lớn còn có khả năng kéo dài đến ngày 9/12.
Trong đợt mưa tới, lũ trên các sông có thể lên mức báo động 1 - 2, có nơi trên báo động 2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực miền núi, ngập úng tại vùng trũng thấp, khu đô thị lớn...
Để chủ động ứng phó thiên tai, chiều 4/12, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, TP từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo; thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, Nhân dân chủ động phòng tránh mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Thực hiện các biện pháp phòng tránh mưa lũ, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt chia cắt. Chủ động sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị các địa phương, bộ ngành và đơn vị quản lý hồ chứa kiểm tra, rà soát, vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, hồ chứa đã đầy nước.
Bố trí lực lượng thường xuyên túc trực, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, chia cắt. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính...
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung trong 3 ngày qua đã khiến ít nhất 3 người chết, 2 người mất tích. Trong đó, Thừa Thiên Huế: 1 người chết và 2 người mất tích do lũ cuốn. Sóc Trăng: 2 người chết do dông lốc làm cây đổ đè vào người.