TP Hồ Chí Minh:

5 nhà máy giết mổ gia súc theo dây chuyền công nghiệp chưa hết công suất

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “5 nhà máy giết mổ gia súc theo dây chuyền công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh được thiết kế 2.000-3.200 con heo/ngày, nhưng chỉ mới hoạt động được một nửa công suất”, là thông tin Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp trả lời báo chí.

Chiều 8/6, Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo định kỳ với sự chủ trì của Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải nhằm thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Một trong nhiều vấn đề được quan tâm là kết quả thực hiện việc kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm kiểu truyền thống tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 1/4 đến nay theo quyết định 231/QĐ-UBND ngày 18/1/2023 của UBND TP về gia hạn thời gian hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trên địa bàn TP tại quyết định số 2515/QĐ-UBND ngày 11/7/2020 của UBND TP. Chấm dứt hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc thủ công kể từ ngày 1/4, để chuyển về giết mổ tại các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn TP.

Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp cho biết tại TP có 5 nhà máy giết mổ gia súc theo dây chuyền công nghiệp.
Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp cho biết tại TP có 5 nhà máy giết mổ gia súc theo dây chuyền công nghiệp.

Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp cho biết, đến nay có 8 các cơ sở, khu vực giết mổ gia súc thủ công trên địa bàn đã ngưng hoạt động, gồm: Cơ sở giết mổ Trung tâm Bình Tân (quận Bình Tân); cơ sở giết mổ Phước Kiển (huyện Nhà Bè); cơ sở giết mổ Tân Phú Trung, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông, Xuyên Á (huyện Củ Chi) và khu vực giết mổ thủ công của Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn). Riêng cơ sở giết mổ Trung Tuyến (huyện Cần Giờ) vì ở xa trung tâm và số lượng giết mổ heo ít, chỉ từ 20-30 con/ngày nên vẫn được tiếp tục hoạt động để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân huyện Cần Giờ.

Cũng theo Giám đốc Sở NN&PTNT Đinh Minh Hiệp, hiện nay TP Hồ Chí Minh có 5 nhà máy giết mổ gia súc đang hoạt động theo dây chuyền giết mổ công nghiệp tại huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận Bình Thạnh; 1 cơ sở tại huyện Cần Giờ. Tổng công suất giết mổ của 5 nhà máy bình quân từ ngày 1/4 đến ngày 8/6 khoảng 5.200-6.000 con/ngày, chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt heo trên thị trường TP.

Cụ thể, tại huyện Củ Chi có Nhà máy giết mổ gia súc Lộc An, công suất giết mổ bình quân 900-1.000 con/ngày, tăng khoảng 20% so trước ngày 1/4 (công suất thiết kế 2.000 con/ngày); Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên, công suất bình quân 50-80 con/ngày, tăng khoảng 45% so trước ngày 1/4 (công suất thiết kế 2.000 con/ngày); Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ, công suất giết mổ bình quân 1.900-2.300 con/ngày, tăng khoảng 8% so trước ngày 1/4 của cơ sở giết mổ Xuyên Á (công suất thiết kế 3.200 con/ngày).

Còn tại huyện Hóc Môn có Nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng, công suất giết mổ bình quân 1.900-2.100 con/ngày, giảm khoảng 6% so với số lượng giết mổ của nhà xưởng số 2 và khu vực giết mổ thủ công của nhà máy đã thực hiện trước ngày 1/4 (công suất thiết kế 2.000 con/ngày/nhà xưởng).

Ở quận Bình Thạnh có Nhà máy giết mổ gia súc của Công ty Vissan, công suất bình quân 400-500 con/ngày; tương đương với số lượng giết mổ trước đây của công ty (công suất thiết kế 1.000 con/ngày).

Về nguồn cung thịt heo cho thị trường TP so với trước ngày 1/4, vẫn tương đối ổn định, sản lượng bình quân khoảng 9.500-10.000 con heo/ngày. Trong đó, nguồn heo giết mổ trên địa bàn TP giảm khoảng 700-1.200 con/ngày (giảm 10-15%), do một số chủ gia súc dịch chuyển về tỉnh Long An, Bình Dương để giết mổ hoặc chuyển sang hình thức kinh doanh thịt, không mua heo sống về giết mổ. Đồng thời, lượng thịt heo từ các tỉnh đưa về TP tiêu thụ tăng khoảng 500-1.300 con (tăng 15-20%).

Đánh giá bước đầu việc triển khai công tác kiểm soát giết mổ, ông Đinh Minh Hiệp cho biết thêm, vào ngày 3/6 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị kiểm soát giết mổ động vật, triển khai Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 14/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, những địa phương đang tổ chức tốt hoạt động giết mổ động vật tập trung và quy mô công nghiệp, dễ dàng kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc khi cần là TP Hồ Chí Minh, các tỉnh: Hà Tĩnh, Long An, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu...

“Nhìn chung bước đầu công tác kiểm soát giết mổ tại các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp đảm bảo chặt chẽ các điều kiện kiểm soát về vệ sinh thú y; số lượng ổn định. Tuy nhiên, những nhà máy trên địa bàn TP vẫn chưa đạt công suất thiết kế, nếu tìm được thêm đối tác giết mổ gia súc công nghiệp thì các nhà máy nâng công suất theo thiết kế và sẽ đảm bảo nguồn cung thịt heo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng TP”, ông Đinh Minh Hiệp nhận định.