5 nhầm lẫn cần điều chỉnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) sẽ có hiệu lực từ 1/7/2015. Sự ra đời của Luật được đánh giá là bước thay đổi lớn trong đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp.

Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc đưa vào Luật nhiều lĩnh vực của GDNN theo cùng một khuôn mẫu giáo dục nghề dễ dẫn tới một số nhầm lẫn.
Giờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.	Ảnh: Thanh Hải
Giờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Theo ông Khuyến, có 5 nhầm lẫn trong Luật GDNN nên được điều chỉnh càng sớm càng tốt. Thứ nhất, coi GDNN là một lĩnh vực đào tạo nhân lực với một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân (Khoản 1, Điều 3). Điều này vô tình dẫn tới việc loại bỏ trình độ CĐ ra khỏi bậc học ĐH (thể hiện ở Điều 76 và 77), gây rối cho hệ thống giáo dục quốc dân và trái với thông lệ quốc tế hiện nay (ISCED 2011). Mà như vậy cũng đồng nghĩa với việc tuyên bố quay trở về với “giáo dục ĐH tinh hoa” - một quan niệm cũ vốn đã bị xóa bỏ từ hơn 30 năm trước, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới.

Thứ hai, nhầm lẫn giữa giáo dục nghề với giáo dục chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo. Theo thông lệ chung, giáo dục nghề đào tạo nhân lực trực tiếp tham gia các hoạt động  sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tức là đào tạo thợ và nhân viên. Trong khi giáo dục chuyên nghiệp đào tạo chuyên gia (kỹ thuật viên, cán sự, giáo viên, kỹ sư, chuyên viên, bác sĩ, luật sư…). Theo ISCED 2011 thì giáo dục nghề chỉ có ở bậc học dưới ĐH, còn giáo dục chuyên nghiệp chỉ tồn tại ở bậc học ĐH. Việc nhầm lẫn mục tiêu đào tạo dẫn tới định hướng hợp nhất giữa giáo dục nghề với giáo dục chuyên nghiệp làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực cho CNH, HĐH đất nước.

Thứ ba, nhầm lẫn giữa trình độ đào tạo với trình độ tay nghề. ISCED 2011 quy định, trong giáo dục có 9 trình độ: Mầm non (0), tiểu học (1), THCS hay sơ trung (2), trung học (3), sau trung học, dưới ĐH (4), CĐ (5), cử nhân (6), thạc sĩ (7) và TS (8). Tuy nhiên, định nghĩa trình độ của GDNN (Khoản 2 Điều 4) của Luật GDNN chủ yếu theo trình độ tay nghề của giáo dục nghề. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt đối với giáo dục chuyên nghiệp. Trình độ CĐ ở Luật GDNN thực ra chỉ tương ứng với trình độ 4 (dưới CĐ) của ISCED 2011. Bên cạnh đó, các quy định về điều kiện tuyển sinh (Điều 32), về thời gian đào tạo (Điều 33) ở Luật GDNN chỉ phù hợp với giáo dục nghề, không phù hợp và nói chung là thấp so với các quy định tại ISCED 2011. Điều này gây khó khi xác lập mối quan hệ tương đương giữa hệ thống văn bằng giáo dục - đào tạo của Việt Nam với thế giới (tức là sẽ không được thế giới công nhận rộng rãi).

Cuối cùng, việc quy định người tốt nghiệp CĐ được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành (Khoản 1 Điều 38) là một quyết định phi học thuật, chưa từng có trên thế giới và sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường. Theo ISCED 2011, người có trình độ 5 (CĐ) chỉ được nhận danh hiệu kỹ thuật viên hoặc thợ bậc cao. Theo quy định cả quốc tế lẫn Việt Nam, danh hiệu kỹ sư chỉ được trao cho những ai đã qua trình độ cử nhân kỹ thuật  (thời gian đào tạo 4 năm), sau đó phải học thêm ít nhất một năm theo hướng chuyên sâu, hoặc phải qua hoạt động đúng nghề nghiệp được đào tạo một số năm để được hiệp hội kỹ sư công nhận. Trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta không thể có đồng thời “kỹ sư 5 năm” và “kỹ sư 2 năm”.

Các nhầm lẫn trên làm méo mó cơ cấu nhân lực đáp ứng yêu cầu nhân lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đồng thời gây khó cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ nhân lực cũng như công nhận trình độ tương đương về đào tạo với các quốc gia khác theo tinh thần hội nhập quốc tế. Nếu không kịp thời điều chỉnh thì trong thời gian tới, Luật sẽ gặp khó khăn khi đi vào cuộc sống.

Hơn thế, ông Khuyến còn khẳng định, những nhầm lẫn về nội dung của Luật GDNN có thể dẫn tới những hệ lụy cho chiến lược phát triển nhân lực đất nước và chủ trương hội nhập quốc tế. Do vậy cần khẩn trương đưa vào chương trình của kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 sắp tới việc xem xét và điều chỉnh lại một số nội dung nhầm lẫn tại Luật GDNN trước thời điểm Luật bắt đầu có hiệu lực. Trong trường hợp chưa kịp điều chỉnh nội dung của Luật GDNN, đề nghị Quốc hội ra quyết nghị giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật, trước mắt chỉ cho lĩnh vực giáo dục nghề, chưa áp dụng cho lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp, đặc biệt đối với loại hình CĐ chuyên nghiệp.