Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

5 sự kiện ICT quốc tế nổi bật nhất 2016

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm vừa qua là quãng thời gian đầy biến động với làng ICT thế giới khi xảy ra nhiều sự kiện mang tính chấn động và có tầm ảnh hưởng tới một số năm sắp tới.

Cùng nhìn lại những sự kiện tiêu biểu của làng ICT thế giới trong năm 2016 do Kinh tế & Đô thị lựa chọn. Đây đều là những sự kiện có tầm ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn có thể tạo ra tác động ở những năm tới, thậm chí trở thành xu hướng hoặc bài học cho nhiều năm tiếp theo.
Galaxy Note 7 phát nổ
Trong vài năm trở lại đây, thị trường smartphone đã phát triển với tốc độ chóng mặt cùng sự ra đời của hàng nghìn mẫu điện thoại khác nhau. Cũng từ đó cũng có vô số các sự cố xảy ra với những chiếc điện thoại này nhưng đáng tiếc nhất có lẽ phải kể đến Galaxy Note 7 của Samsung khi smartphone này bị khai tử chỉ sau đúng 2 tháng ra mắt.
 
Vào ngày 2/8/2016 đã đánh dấu màn ra mắt đầy ấn tượng của Galaxy Note 7 - một trong 2 sản phẩm bom tấn (cùng Galaxy S7/S7 edge) và chủ đạo trong năm của Samsung. Đây cũng là chiếc điện thoại màn hình lớn hiếm hoi được đánh giá xứng tầm đối thủ với iPhone 6 Plus đến từ đối thủ "không đội trời chung" Apple của hãng Hàn Quốc.
Có cấu hình vượt trội so với toàn bộ các smartphone có trên thị trường cùng thiết kế bắt mắt và hàng loạt tính năng độc quyền từ Samsung, Note 7 đã thu được thành công ngay từ giai đoạn đặt hàng. Ngay trước thời điểm bán ra, chiếc máy này đã nhận được 200.000 lượt đặt mua, gấp đôi so với lượng đặt mua của Galaxy S7 ra mắt hồi đầu năm và là mức kỷ lục của một điện thoại Galaxy từng đạt được từ trước đến nay. Đồng thời tính đến hiện tại đã có khoảng 2,5 triệu chiếc Note 7 được bán ra.
Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó, lỗi phát sinh từ bộ phận pin đã khiến chiếc điện thoại này bỗng nhiên trở thành một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của thương hiệu smartphone lớn nhất thế giới. Tới ngày 2/9, trong cuộc họp báo tại Seoul (Hàn Quốc), Chủ tịch mảng kinh doanh thiết bị di động Samsung ông Koh Dong-jin đã phải công khai cúi đầu xin lỗi sau khi tuyên bố thu hồi Note 7 trên phạm vi toàn cầu nhằm khắc phục nguy cơ cháy nổ do lỗi đến từ pin của chiếc smartphone này. Và tới giữa tháng 10, Samsung đã buộc phải chính thức khai tử Galaxy Note 7.
Về thiệt hại tài chính, mặc dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng Samsung cho biết con số này là "khá lớn". Ngay sau khi phát đi thông báo thu hồi Note 7, cổ phiếu của hãng Hàn Quốc đã Theo các hãng phân tích tài chính Samsung có thể sẽ mất đi 1,34 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2016 cũng như mảng kinh doanh smartphone tụt khoảng 5 tỷ USD doanh thu vì sự cố này.
Cơn sốt toàn cầu Pokemon GO
Pokemon GO là trò chơi tương tác thực tế (AR) dựa trên bộ truyện tranh nổi tiếng cùng tên do Nintendo và Niantic phát triển, đã gây nên cơn sốt trên toàn cầu ngay khi ra mắt vào tháng 7/2016. Với việc sử dụng công nghệ định vị toàn cầu (GPS), người chơi có nhiệm vụ truy tìm các quái thú Pokemon ảo tại những địa điểm thực. Ngoài ra, người chơi có thể bắt và đào tạo những con pokemon này để tham gia các trận thi đấu.
 
Chỉ sau 1 tháng kể từ ngày đầu ra mắt tại Mỹ, Pokemon GO đã giúp Niantic thu về hơn 200 triệu USD, trở thành trò chơi đứng đầu danh sách các game di động có doanh thu cao nhất trong tháng đầu tiên phát hành. Báo cáo quý III/2016 của Google cho biết 45% tổng thời gian người chơi dành cho các game di động Android thuộc về Pokemon GO. Tính đến hết tháng 11/2016, tổng quãng đường mà người chơi di chuyển để thực hiện các nhiệm vụ trong game đã lên đến 8,7 tỷ km và tổng số lượt tải game đã đạt con số 600 triệu.
Tuy nhiên, sau những tháng tăng trưởng nóng, trò chơi này ngày càng hạ nhiệt và lượng người chơi không ngừng suy giảm trong thời gian qua. Bên cạnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn cho người chơi, Pokemon GO còn bị cho là thiếu các tính năng mới nhằm thu hút thêm người chơi mới cũng như giữ chân các tín đồ trung thành.

BlackBerry ngừng sản xuất smartphone
Vào ngày 28/9, trước tình hình kinh doanh quý 2/2016 vô cùng ảm đạm, chỉ bán được 400.000 chiếc smartphone, BlackBerry đã tuyên bố từ bỏ mảng sản xuất điện thoại mà thay vào đó là phát triển mảng phần mềm. Tại thời điểm đó thị phần của BlackBerry chỉ chiếm chưa đầy 1% thị trường điện thoại, một con số không tưởng sau vẻn vẹn gần chục năm.
 
Trường hợp của BlackBerry cũng tương tự như Nokia, tượng đài từng lẫy lừng một thời của làng điện thoại. Cả 2 đều ngủ quên trong vinh quang, trung thành với triết lỹ già cỗi không theo kịp thời đại, tự bắn vào chân mình với nhiều quyết định sai lầm mang tính bước ngoặt và đặc biệt là cùng quá khinh thường các đối thủ cạnh tranh có tầm vóc nhỏ hơn. Đối thủ được nhắc tới ở đây là Apple, với iPhone sản phẩm đánh dấu sự đi xuống và diệt vong của Nokia, có thể sắp tới sẽ có thêm cả BlackBerry.
Ngưng tự sản xuất điện thoại, BlackBerry sẽ tiếp tục đầu tư vào mảng phần mềm và nhờ những đối tác khác sản xuất phần cứng. Hay nói cách khác, smartphone thương hiệu dâu đen về sau sẽ do một công ty khác sản xuất, dựa trên đơn đặt hàng của BlackBerry.
Hướng đi mới của hãng được cho là hợp lý bởi BlackBerry thu lời rất ít từ mảng phần cứng. Các thiết bị di động của hãng đang dần biến mất khỏi thị trường. Hãng sẽ tiết kiệm được chi phí rất lớn khi không còn bận tâm mảng phần cứng, dồn nhân lực vào phát triển mảng phần mềm, vốn đang dần đánh mất lòng tin ở người dùng.
Tới 15/12 vừa qua, BlackBerry đã có thỏa thuận với TCL, cho phép công ty Trung Quốc độc quyền thiết kế, sản xuất và phân phối điện thoại mang thương hiệu BlackBerry tại nhiều nước. Đây được xem là hướng đi thích hợp nhất với BlackBerry ở thời điểm hiện tại.
Hơn 1 tỷ tài khoản Yahoo bị tấn công
Vào giữa tháng 12/2016, Yahoo đã chính thức lên tiếng thừa nhận về việc mình là nạn nhận của vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất lịch sử internet. Theo đó, năm 2013, hơn 1 tỷ tài khoản người dùng của hãng đã bị xâm phạm, lấy đi dữ liệu cá nhân như số điện thoại, mật khẩu, câu hỏi bí mật, email dự phòng. Mặc dù đã diễn ra từ lâu nhưng tới hiện tại hãng internet này mới dám công bố ra công chúng.
 
Đáng chú ý, tất cả dữ liệu đó đang được bán trên dark web (web đen). Thời điểm đó, chúng được bán cho ba bên với giá 300.000 USD. Hiện dữ liệu vẫn đang rao bán nhưng sau khi công chúng biết đến, giá đã bị giảm.
Đặc biệt, mới đây một quãng ngắn thời gian, vào tháng 9/2016, cũng chính Yahoo đã phải thừa nhận khoảng 500 triệu tài khoản người dùng của mình đã bị tin tặc đánh cắp vào cuối năm 2014. Và số tài khoản này không trùng hợp với 1 tỷ tài khoản ở trên.
Không chỉ người dùng Yahoo bị ảnh hưởng, mà vụ rò rỉ này cũng tác động đến thương vụ Verizon dự định mua lại mảng kinh doanh trực tuyến của hãng. Theo một số nguồn tin Verizon đã yêu cầu giảm giá 1 tỉ USD trong thương vụ 4,8 tỉ USD ngay sau vụ công bố rò rỉ hồi tháng 9 vừa qua của Yahoo. Còn hiện thời, Verizon vẫn chưa có phản ứng gì với vụ công bố thứ 2 này.
AlphaGo - Sự trỗi dậy của trí thông minh nhân tạo
Ngày 9/3, đã diễn ra một khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ trong lịch sử phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) khi cỗ máy AlphaGo của Google đã đánh bại huyền thoại cờ vây thế giới Lee Sedol sau 5 ván đấu. Từ trước tới nay, chưa bộ máy nào chơi ở cấp độ cao như vậy bởi tuyển thủ Hàn Quốc đã 14 năm liên tiếp là nhà vô địch.
 
Được biết, chương trình của Google được tích hợp khả năng tự học hỏi. Nó nghiên cứu các trận đấu trước đây của nhiều kỳ thủ, sau đó chơi với chính mình và rút ra kinh nghiệm để tiến bộ. AlphaGo tự trau dồi kỹ năng, đưa ra các phép thử để biết đúng sai.
Chiến thắng của AlphaGo cũng gây ngạc nhiên lớn cho những kỹ sư phát triển lĩnh vực AI khi vào đầu năm 2016, đa số vẫn nghĩ phải ít nhất một thập kỷ nữa mới có thể dạy máy tính chơi cờ vây, vốn tồn tại gần 3.000 năm lịch sử và phức tạp gấp nhiều lần so với cờ vua.
AI mang theo kỳ vọng thay đổi thế giới, thực hiện những công việc như chăm sóc bệnh nhân, lái xe, phân tích đầu tư kinh tế và nhiều những công việc khác. Bởi suy nghĩ đó, các nhà khoa học tích cực phát triển để AI thông minh và gần hơn với cách hoạt động của con người.
Nhưng với một nhân vật có ảnh hưởng lại nghĩ khác, nếu máy móc vượt qua tầm kiểm soát, tự mình phát triển theo những hướng mà con người không thể lường trước được, chẳng dám chắc mọi chuyện sẽ ổn. Nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking nằm trong nhóm lo ngại AI sẽ trở thành mối đe dọa của nhân loại. Robot ngày càng tham gia nhiều lĩnh vực, hoạt động quan trọng. Không ít trường hợp, những cỗ máy này đã gây chết người hoặc đe dọa tính mạng.