Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Hoàn Kiếm:

57/59 hộ dân chấp thuận, bàn giao mặt bằng dự án Trụ sở Bộ Công an

Dương Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, đến nay, việc triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư đạt kết quả cao khi có 57/59 hộ dân chấp hành di chuyển, bàn giao mặt bằng để để thực hiện dự án Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, Hà Nội.

57/59 hộ dân chấp thuận, bàn giao mặt bằng

Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được Liên Xô viện trợ, xây dựng từ năm 1976, đến nay mặc dù đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa nhiều lần nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu. Trong khi đó, trụ sở tại số 47 Phạm Văn Đồng được đưa vào sử dụng vào năm 2010 nhưng phần lớn diện tích tại đây phải chuyển đổi công năng sử dụng để phục vụ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các lực lượng chức năng của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội kiểm đếm nhà đất thuộc phường Cửa Nam.
Các lực lượng chức năng của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội kiểm đếm nhà đất thuộc phường Cửa Nam.

Việc hiện đại hóa, đầu tư xây dựng, mở rộng trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu là trung tâm chỉ huy, chỉ đạo, điều hành toàn diện, mọi mặt công tác có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 09/5/2023, được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tại Quyết định số 4180/QĐ-BCA-H02 ngày 15/6/2023.

Dự án xây dựng trụ sở Bộ Công an tại số 44 Yết Kiêu là dự án đầu tư công, sử dụng vốn 100% từ ngân sách Nhà nước do Cục Hậu cần (Bộ Công an) là chủ đầu tư. Dự án thu hồi khoảng 0,6ha đất; địa điểm xây dựng là phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) và phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng). 

Sau đó, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và các địa phương có liên quan đến dự án đã triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư cho tổ chức và các hộ dân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, giống như nhiều dự án đầu tư công khác tại quận Hoàn Kiếm, công tác hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng luôn gặp rất nhiều khó khăn, áp lực.

Tại quận Hoàn Kiếm, UBND quận trong quá trình triển khai, các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã áp dụng theo đúng quy định của pháp luật; ngoài ra dự án còn có các chính sách đặc thù được UBND TP quan tâm, phê duyệt để bảo đảm quyền lợi cao nhất của các hộ dân. Kết quả đến nay, 57/59 hộ dân tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, chấp hành di chuyển, bàn giao mặt bằng để để thực hiện dự án Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu.

Người dân luôn chấp hành quy định pháp luật

Nhìn nhận lại quá trình triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, ông Trần Văn Tuấn, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận TDP số 6 phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm cho rằng, không dễ dàng gì để 59 hộ dân tại phường Cửa Nam di chuyển từ nơi đang sinh sống,  buôn bán ổn định đến nơi ở mới, nhường đất cho xây dựng dự án. 

Sau một thời gian ngắn, đến nay, 57/59 hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng là "kết quả ngoài mong đợi”, trước hết phải ghi nhận sự hiểu biết pháp luật và tinh thần ủng hộ chủ trương của Đảng, chấp hành pháp luật của người dân rất cao. Cùng với đó, các hộ dân luôn hướng tới lợi ích chung, vì quốc gia dân tộc, nên sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.

“Mặc dù dự án còn có các chính sách đặc thù, bảo đảm quyền lợi cao nhất của các hộ dân so với các dự án khác, nhưng người dân chúng tôi không hẳn ai cũng sẵn sàng rời xa nơi sinh sống, làm ăn, buôn bán ổn định nhiều năm. Tuy nhiên, dự án Trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu là dự án vì mục đích an ninh và vì lợi ích quốc gia nên người dân chúng tôi bảo ban nhau, thống nhất chấp thuận, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình với địa phương, cộng đồng”, ông Trần Văn Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh đó, người dân được tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách, hoặc có thắc mắc gì đều nhanh chóng được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm, UBND phường Cửa Nam tiếp nhận, lắng nghe, đối thoại, giải đáp. Chúng tôi cũng cảm nhận được tinh thần triển khai dự anh khẩn trương, nghiêm túc, cùng với đó là các thủ tục bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện nhanh chóng. “Hộ dân nào nhận tiền đền bù là được chi trả ngay, rất nhanh chóng. Hoặc hộ dân nào muốn được tái định cư bằng đất ở tại khu đất tái định cư thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội cũng được làm thủ tục luôn...”, ông Trần Văn Tuấn chia sẻ.

Là một người đi đầu ủng hộ và nhận tiền đền bù sớm, ông Ngô Văn Chương (151 Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) xuất thân từ bộ đội nên luôn nghiêm túc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật. Bản thân ông cũng nghiên cứu, hiểu rõ được quy định của pháp luật về đất đai nên đối với các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh thì người có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp trong quá trình điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Về mức bồi thường, với căn hộ hơn 20m2, gia đình ông Ngô Văn Chương nhận được 3,8 tỷ đồng, đây là mức đền bù “trong mơ” bởi theo giá thị trường căn hộ bán được khoảng 1,5 tỷ đồng đã là may mắn. Ông chia sẻ thêm: “Tôi được mua đất tái định cư tại Mai Lâm, Đông Anh, vẫn còn tiền cầm về cho con cháu, như vậy là rất hài lòng”.

Ông Trần Quang Vinh (151 Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ lý do bàn giao mặt bằng cho dự án bởi gia đình ông nhận thức rõ tầm quan trọng về an ninh, quốc phòng của trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu. “Với một dự án phục vụ việc bảo vệ an minh, an toàn cho quốc gia, vì lợi ích chung, gia đình chúng tôi hoàn toàn nhất trí, ủng hộ. Bên cạnh đó là tình cảm của người dân chúng tôi đối với ngành công an – đơn vị bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc nhân dân, để các chiến sỹ có điều kiện tiếp tục bảo vệ hiệu quả an ninh quốc gia, cuộc sống người dân”.

Cùng với đó, trong quá trình thực hiện thu hồi đất, các cơ quan chức năng của quận Hoàn Kiếm luôn bảo đảm quyền lợi, vận dụng chính sách đặc thù, có lợi nhất cho người dân. Ông Trần Quang Vinh chia sẻ thên, bản thân ông có nhiều ý kiến, kiến nghị và đều nhận được trả lời đầy đủ, thỏa đáng bằng cả hình thức trao đổi trực tiếp và văn bản. “Do vậy, ban đầu tôi chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng, nhưng khi hiểu rõ rồi thì mình chấp hành vui vẻ”.

Ông đề nghị thêm: “Để phục vụ mục đích, lợi ích chung, người dân chúng tôi sẵn sằng chịu thiệt thòi, hy sinh. Do vậy, tôi đề nghị, Nhà nước nếu có các chính sách hỗ trợ thêm, chính sách thưởng tiến độ cho bà con thì nên tiếp tục nghiên cứu áp dụng cho người dân”.