Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

6 địa phương ở Bắc Bộ đối diện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

Khang Nhi (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/8, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa đưa ra cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún tại các địa phương khu vực Bắc Bộ.

Trong 12 giờ qua (từ 2 giờ đến 14 giờ ngày 23/08), khu vực các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng đã có mưa vừa, mưa to như: Cát Bà 161,4mm (Hải Phòng); Đồng Quang 156,6mm (Thái Nguyên); Quang Vinh 144,8mm (Cao Bằng); Lòng Dinh 106,2mm (Quảng Ninh); Mông Ân 94,5mm (Lạng Sơn)... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

 6 địa phương ở Bắc Bộ đối diện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất - Ảnh 1

Trung tâm cảnh báo, trong 3 đến 6 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến 20-40mm, có nơi trên 60mm, riêng các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn từ 30-50mm, có nơi trên 80mm..

Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính
mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet

Trước đó, vào đêm qua (22/8), Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã trải qua một đêm mưa lớn kèm theo dông và sấm sét dữ dội. Trận mưa này do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao. Mưa lớn khiến Hà Nội và nhiều tỉnh thành ở phía Bắc bị ngập lụt nghiêm trọng.

Theo Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, khu vực Bắc Bộ, bao gồm cả Hà Nội, đã ghi nhận hơn 1.000 cú sét. Trong đó, khu vực có sét nhiều nhất gồm: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình.

Sấm sét đi kèm với mưa lớn đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Mưa lớn kéo dài suốt đêm khiến nhiều tuyến đường tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hòa Bình bị ngập sâu, gây khó khăn cho việc đi lại và sinh hoạt của người dân. Sức gió mạnh kèm theo giông lốc đã làm đổ nhiều cây xanh trên các tuyến đường.

Làm cách nào để phòng tránh sạt lở và giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở?

Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Lũ quét và sạt lở đất xảy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du trên lãnh thổ Việt Nam. Sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt, trượt do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy.

Sau đây là một số khuyến cáo, hướng dẫn về dấu hiệu, những việc nên làm, không nên làm nhằm giảm thiểu những thiệt hại do sạt lở đất gây ra.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng sạt lở: mưa nhiều ngày/mưa lớn. Vết nứt tường nhà, sườn đồi, mái dốc, cây nghiêng, nước sông, suối từ trong chuyển màu thành nước đục…

Những việc nên làm để phòng tránh sạt lở: theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi có dấu hiệu.

Sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Cần bảo vệ tính mạng trước tiên.

Chạy nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm khi nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường.

Những việc nên tránh khi có sạt lở: không được đi qua hoặc lại gần quanh khu vực sạt lở đất.

Không được đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông, suối khi có mưa lớn hoặc nếu thấy nước có dấu hiệu bất thường như nước sông suối từ trong chuyển sang đục dần.

Không đi gần khu vực cầu, cống khi nước đang lên, dòng chảy mạnh.

Những việc làm thường xuyên để phòng tránh sạt lở

Thường xuyên theo dõi tin tức trên báo, đài và ti vi về các đợt mưa lớn, kéo dài, nguy cơ sạt lở đất cao

Tìm hiểu xem ở khu vực gần nhà mình từng xảy ra sạt lở đất chưa, chủ động quan sát các dấu hiệu sạt lở đất; kịp thời báo cáo chính quyền địa phương khi phát hiện dấu hiệu sạt, lở đất.

Hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, người già, người khuyết tật những biện pháp phòng tránh cần thiết.

Không nên xây nhà ở khu vực đã từng xáy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực ven sông, suối, sườn dốc, gần mái dốc đường giao thông.

Gia cố nhà cửa, đập tạm, khơi thông dòng chảy trước mùa mưa lũ.

Chủ động chuẩn bị thức ăn, nước uống, thuốc và đồ sơ cứu y tế, đèn pin, cuốc, xẻng, cuộn dây…

Trồng cây, bảo vệ rừng để giảm thiểu nguy cơ sạt lở đất.