Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, bước vào năm 2017, xác định những khó khăn, thử thách là rất lớn, song thuận lợi có được cũng hết sức căn bản cho phát triển của ngành Công Thương. Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, Bộ xác định sẽ đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là hạn chế trong phát triển của ngành.
Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Một là, khẩn trương ổn định tổ chức bộ máy theo Nghị định mới của Chính phủ, xây dựng đội ngũ cán bộ dựa trên phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được yêu cầu của đổi mới.
Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những rào cản trong đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử một cách thực chất, hiệu quả.
Ba là, tập trung giải quyết một cách căn bản những điểm tồn tại, hạn chế lớn trong phát triển công nghiệp. Đó là những vấn đề về tái cơ cấu trong phát triển ở các lĩnh vực dầu khí, điện, than, phân bón hóa chất; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng gắn kết và tham gia chặt chẽ hơn vào chuỗi giá trị của khu vực và thế giới; xử lý tốt bài toán an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn gắn với bảo đảm những vấn đề về môi trường; xử lý một cách căn bản các vấn đề về an toàn thủy điện và an toàn xả lũ; giải quyết tồn tại ở các dự án lớn thua lỗ, kém hiệu quả.
Bốn là, đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và thúc đẩy xuất khẩu. Tạo cơ chế phối hợp hiệu quả với các Bộ, ngành, địa phương trong công tác xuất khẩu, đặc biệt là xử lý tốt mối gắn kết từ khâu qui hoạch sản xuất, tiêu thụ, đàm phán mở rộng thị trường, vượt qua các rào cản ở các nước nhập khẩu và xây dựng, áp dụng tốt các hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Năm là, củng cố một bước trong phát triển hệ thống phân phối bán lẻ trong nước; hình thành đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại thông suốt trên khắp các địa bàn, khu vực thị trường từ thành thị tới các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; cùng với triển khai đi vào chiều sâu Cuộc Vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để tạo điều kiện cho hàng Việt Nam phát triển rộng khắp, khai thác tốt tiềm năng của thị trường trong nước rộng lớn. Tiếp tục tập trung củng cố trật tự thị trường, giải quyết một cách căn bản tình trạng kinh doanh đa cấp trái pháp luật, nâng cao quyền lợi của người tiêu dùng, thực thi tốt pháp luật về cạnh tranh.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu ứng dụng công nghệ để tận dụng tốt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển của đất nước.
Tại hội nghị, Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5%; chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/12/2016 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tồn kho thấp nhất trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, việc làm tốt nhất mà Bộ Công Thương đã thực hiện trong năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá là vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cơ cấu bộ máy hoạt động đạt hiệu quả tốt, ấn tượng theo hướng tinh giảm để thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo.
Theo đó, Bộ Công Thương đã bỏ nhiều quy định, điều kiện để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp như việc bãi bỏ thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may, ban hành Thông tư 36/2016/TT-BCT theo hướng tạo thông thoáng cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng; Quyết định số 4846/QĐ-BCT theo hướng rà soát bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, tương đương với đơn giản hóa 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện hành của Bộ…