6 nhóm chính sách đặc thù với 41 chính sách cụ thể để phát triển thành phố Hải Phòng
Kinhtedothi - Sáng 13/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã nghe Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, thành phố Hải Phòng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thể chế hóa đường lối của Đảng, việc sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính sẽ tạo ra không gian phát triển rộng lớn, tạo dư địa tăng tốc và hình thành cực tăng trưởng quan trọng cho phía Bắc và cả đất nước. Điều đó càng đặt ra yêu cầu có một cơ chế vượt trội, phù hợp với đặc thù để phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế mới của Hải Phòng trong phát triển kinh tế, xã hội.
Việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng để khơi thông các điểm “nghẽn”, tạo đột phá, có sức lan tỏa lớn trong vùng đồng bằng sông Hồng và đóng góp lớn hơn vào mục tiêu tăng trưởng cao trong giai đoạn 2026 - 2030 của cả nước là cần thiết và phù hợp với mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, Kết luận số 96-KL/TW.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Dự thảo Nghị quyết, các chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng đề xuất thực hiện thí điểm được xây dựng theo 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể, bao gồm: bao gồm: quản lý đầu tư (2 chính sách); Quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước (4 chính sách); quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường (9 chính sách); quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (8 chính sách); thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hải Phòng quản lý (1 chính sách); thành lập và các cơ chế, chính sách trong Khu Thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng (17 chính sách).
Trong đó, việc đề xuất thí điểm phân cấp cho UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có quy mô trên 2.300 tỷ đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động, linh hoạt, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng các khu bến cảng theo quy hoạch được duyệt trong thời gian sớm nhất, sớm đưa các dự án vào vận hành khai thác.
Dự thảo quy định thành phố Hải Phòng được cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm logistics phục vụ cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa với quy mô trên 50ha.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng, một số chính sách đặc thù ưu đãi như đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, kinh doanh; thủ tục xuất nhập khẩu; thủ tục xuất nhập cảnh, tạm trú và giấy phép lao động; thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng; tối ưu hóa ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế (khoản 5); hoạt động đầu tư, kinh doanh khác trong Khu thương mại tự do và cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mở phòng giao dịch trong Khu thường mại tự do ngoài trụ sở chi nhánh.
Bên cạnh đó, để thực hiện thí điểm cơ chế “một cửa, tại chỗ” đối với Khu thương mại tự do Hải Phòng, Dự thảo Nghị quyết quy định Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng được thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Hải Phòng và giao thẩm quyền cho Ban quản lý giải quyết trực tiếp các thủ tục về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho nhà đầu tư và cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động vào Khu thương mại tự do Hải Phòng.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc sáng 13/5. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhận thấy, quy định này khác với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Đấu thầu hiện hành. Tuy nhiên Kết luận 96-NQ/TW của Bộ Chính trị đã cho phép ban hành Nghị quyết mới được áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá, vì vậy, quy định trên có căn cứ chính trị và cơ sở pháp lý.
Có ý kiến đề nghị cần thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật để bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có khả năng và điều kiện để thực hiện dự án hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của thành phố và các bên liên quan.
Dự thảo Nghị quyết quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Quy định này đang được áp dụng tương tự tại thành phố Đà Nẵng để hỗ trợ phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo nhưng với thời gian dài hơn (10 năm).
Đồng ý chủ trương, song đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị bổ sung quy định “Trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì thực hiện nộp thuế theo quy định tương ứng” để bảo đảm thống nhất với chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu. Bên cạnh đó cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chính sách ưu đãi áp dụng đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả, không tác động tiêu cực đến ngân sách Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Cũng theo cơ quan thẩm tra, Dự thảo Nghị quyết quy định điều khoản mở để áp dụng cho trường hợp sáp nhập. Tức sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trường hợp thành phố sáp nhập với đơn vị hành chính cấp tỉnh khác để hình thành đơn vị hành chính cấp tỉnh mới thì các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết này được tiếp tục áp dụng cho đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, quy định này chỉ dừng ở mức độ nguyên tắc chung. Các đánh giá tác động, các mục tiêu đặt ra căn bản trên cơ sở địa giới hiện có, dân số hiện hữu, tiềm năng, lợi thế hiện nay của riêng Hải Phòng. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng chính sách phù hợp để phát huy lợi thế, đặc điểm riêng biệt về vị trí địa lý, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng sau khi mở rộng địa giới hành chính.
Về thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Văn Mãi cho rằng, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là cần thiết, là quyết tâm chính trị của thành phố Hải Phòng và Chính phủ; có đủ căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cần đánh giá tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội; tính lan tỏa vùng miền...; cơ chế quản lý rủi ro, cơ chế giám sát bảo đảm một mặt thông thoáng song giữ vững an toàn tài chính, an ninh kinh tế, trật tự xã hội; trách nhiệm trong triển khai của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Về chính sách thí điểm trong Khu thương mại tự do Hải Phòng, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị rà soát thẩm quyền Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thực hiện cơ chế “một cửa” để bảo đảm đơn giản hoá thủ tục hành chính; rõ ràng, minh bạch, kịp thời (ngắn về thời hạn); cụ thể về quy trình; hợp lý về thẩm quyền, bảo đảm năng lực tổ chức thực hiện.

Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng thời gian ưu đãi thuế cho doanh nghiệp lĩnh vực khoa học công nghệ
Kinhtedothi - Sáng 12/5, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) các đại biểu Quốc hội dành nhiều quan tâm đến thời gian ưu đãi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao; doanh nghiệp khởi nghiệp xanh thân thiện với môi trường.

Đại biểu Quốc hội tranh luận về áp thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ sở y tế, giáo dục công lập
Kinhtedothi - Sáng 12/5, tại phiên làm việc của Kỳ họp thứ 9, tham gia thảo luận về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã tranh luận về mức thuế thu nhập doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục, y tế công lập.

ĐB Quốc hội: rút ngắn thời gian thực hiện quy trình bầu cử là bước tiến lớn, thể hiện tinh thần tinh gọn
Kinhtedothi - Thời gian từ khi nộp hồ sơ đến khi tiến hành bầu cử được rút ngắn từ 60 xuống 42 ngày so với trước đây được xem là bước tiến lớn, thể hiện quyết tâm cao của các đơn vị liên quan trong tinh gọn bộ máy, tiết kiệm nguồn lực, thời gian.