Đây là thông tin một báo cáo của Tổ chức Oxfam vừa đưa ra hôm 18/7. Theo đó, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp và Anh với tỷ trọng GDP toàn cầu lên tới 56,6%, nhưng lại chỉ tiếp nhận 2,1 triệu người di cư – tương đương 8,9% tổng số toàn cầu. Trong số 2,1 triệu người này, khoảng 1/3 được Đức tiếp nhận, 1,4 triệu người còn lại chia cho 5 quốc gia kia. Mỹ tiếp nhận 168.937 người di cư, giám đốc Oxfam Mark Goldring cho rằng điều này thật đáng xấu hổ.
Ngược lại, hơn 50% lượng người di cư thế giới – tương đương 12 triệu người đang sống tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine, Pakistan, Lebanon và Nam Phi, bất chấp việc các khu vực này chỉ chiếm 2% GDP toàn cầu. Oxfam đang kêu gọi chính quyền những quốc gia phát triển tiếp nhận thêm người di cư, hỗ trợ các quốc gia khó khăn trong vấn đề này. “Hơn bao giờ hết, nước Anh cần cho thấy một xã hội cởi mở vai trò giải quyết cuộc khủng hoảng này. Thật đáng xấu hổ khi một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp nhận chưa đến 1% lượng người di cư toàn cầu”, theo đại diện Oxfam. Theo báo cáo của Cơ quan Người di cư Liên Hợp quốc (UNHCR) năm 2015, hơn 65 triệu người đã tháo chạy khỏi quê nhà do bạo động, chiến tranh và vi phạm nhân quyền – con số lớn kỷ lục từ trước tới nay. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tại Syria trực tiếp góp phần gây ra vụ khủng hoảng di cư. Nhiều người đã chạy trốn tới các quốc gia láng giềng như Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.