Rửa xe ô tô khi máy còn nóng hoặc dưới trời nắng gắt
Khi xe vừa di chuyển một quãng đường dài dưới trời nắng chúng ta nên để xe có thời gian nguội máy. Xe còn nóng gặp lạnh đột ngột của vòi phun thì tại các vị trí tiếp xúc sẽ bị co lại trong khi các bộ phận khác đã bị giãn nở do nóng.
Sự co giãn không đều có thể làm cho các chi tiết của xe bị biến dạng nặng hơn có thể bị nứt vỡ. Ngoài ra khi rửa xe dưới trời nắng gắt dễ làm hỏng lớp sơn bên ngoài của xe. Các giọt nước nhỏ cùng với hóa chất còn sót lại trên xe bị làm khô quá nhanh bởi ánh nắng mặt trời sẽ tạo ra các vết ố trên bề mặt sơn cũng như các chi tiết khác. Lâu dần sẽ làm giảm độ bóng và bong tróc lớp sơn xe.
Nếu có thể bạn hãy để xe được làm mát, đỗ xe ở chỗ râm để bảo vệ xe tốt nhất cả trước và sau khi rửa xe ô tô.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Dùng nước rửa bát, xà phòng giặt để rửa xe
Nước rửa bát (chén) hoặc xà bông giặt hoà với nước là dung dịch mà nhiều tài xế sử dụng để rửa ô tô. Tuy nhiên, đây lại là một sai lầm khi rửa xe, bởi nước rửa chén hay xà phòng giặt vốn chứa nhiều chất tẩy rửa, mang tính kiềm cao. Khi dùng để rửa xe, các chất này sẽ tác động trực tiếp lên lớp bảo vệ bề mặt sơn, theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến màu sơn của xe.
Để đạt hiệu quả cao nhất, chủ phương tiện nên mua dung dịch rửa xe chuyên dụng dùng cho ô tô để làm sạch chất bám bẩn, loại bỏ những vết “cứng đầu” cũng như không làm tổn hại đến bề mặt của sơn.
Dùng quá ít nước khi lau rửa xe
Không phải ai cũng có thể trang bị vòi xịt áp suất cao tại nhà để rửa xe, do vậy nhiều người chọn cách dùng khăn ướt để lau lên bề mặt xe. Sau mỗi lần lau và nhúng khăn lau vào xô, những hạt cát nhỏ hay bụi bẩn sẽ tích tụ lại trong xô hoặc có thể bám vào khăn gây nên những vết xước nhỏ trong những lần lau tiếp theo.
Do đó, khi lau rửa xe nên chuẩn bị nhiều nước để làm sạch khăn lau liên tục để đạt hiệu quả cao nhất. Sử dụng nhiều nước trong quá trình làm sạch xe cũng giúp rửa trôi triệt để các chất tẩy rửa trên bề mặt ô tô.
Sử dụng khăn lau kém chất lượng
Để giảm bớt chi phí, nhiều người thường tận dụng mẫu quần áo cũ, hay các loại khăn mặt, khăn tắm bình thường để lau xe. Ngoài ra, theo thói quen, một số người thường lau bề mặt xe theo hình tròn. Việc dùng các loại khăn lau khô cứng kết hợp cách lau không đúng rất dễ dẫn đến những vết trầy xước theo vòng xoáy trên bề mặt sơn xe.
Để bảo vệ bề mặt sơn, các chủ xe nên dùng khăn chuyên dụng được làm bằng vải sợi mềm, có tính hút nước cao. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, chỉ lau xe theo một chiều ngang hoặc dọc để tránh tối đa những vết xước xoáy, rất lộ nếu đưa xe ra ánh sáng.
Không che các mối điện khi rửa khoang động cơ
Nhiều người khi rửa xe thường không quên vệ sinh khoang động cơ, bởi mặc dù được che đậy bởi nắp capo nhưng sau thời gian dài sử dụng và các các khe hút gió, bụi bẩn bắt vào động cơ, cùng nhiều bộ phận khác.
Để vệ sinh bộ phận này, thói quen của mọi người là xịt trực tiếp vòi phun vào khoang động cơ, việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến các mối điện, gây nên hiện tượng chập điện.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, để đảm bảo an toàn cho hệ thống này khi rửa xe, mọi người nên dùng băng keo chống thấm nước để bọc các mối điện và sử dụng dung dịch vệ sinh chuyên dụng để làm sạch các ngóc ngách của động cơ.
Rửa xe liên tục
Tưởng chừng việc này là tốt nhưng lại có hại cho bề mặt xe ôtô. Bởi việc rửa quá nhiều lần (hơn 1 lần trong tuần) cũng sẽ dễ làm lớp sơn xe xuống cấp vì tiếp xúc quá nhiều với hóa chất tẩy rửa xe.
Theo các chuyên gia về ôtô, nên rửa xe trong 3 hoặc 4 tuần/ 1 lần là vừa đủ. Trừ trường hợp đặc biệt xe bị dính bùn đất hay vết ố do tham gia vào đoạn đường sụp lún thì phải rửa xe. Nhưng lưu ý, hạn chế dùng chất tẩy rửa.