6 tháng cuối năm: Hà Nội vượt khó, nỗ lực giữ mục tiêu tăng trưởng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch bệnh bùng phát liên miên ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, sức khoẻ của doanh nghiệp. Để thực hiện "mục tiêu kép" lãnh đạo TP Hà Nội đang nỗ lực xây dựng nhiều kế hoạch.

Kế hoạch hành động mới

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các mặt kinh tế - xã hội, TP Hà Nội đã cùng cả nước vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Với nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, TP đã vượt khó, đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,91% so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian tới, theo dự báo, tình hình dịch Covid-19 sẽ có những diễn biến khó lường... Để ngăn chặn và vượt qua dịch bệnh, Hà Nội xác định, cần thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm là: Tiếp tục kiên định "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. 

 Ảnh minh hoạ

Căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, Hà Nội dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2021. Kịch bản 1 (kịch bản điều hành): Tăng trưởng quý III đạt 8,59%, quý IV đạt 9,12% và dự báo cả năm đạt 7,5%; Kịch bản 2: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quý III mới kiểm soát được dịch, các ngành dịch vụ vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, phục hồi chậm. GRDP cả năm 2021 dự kiến đạt 6,5 - 7,0%.

Song song với dự kiến kịch bản tăng trưởng, Hà Nội tập trung triển khai quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch.

Trong đó, chủ động tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng. Từ việc huy động nguồn lực, kích thích sản xuất, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đến việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Ưu tiên phát triển các lĩnh vực trọng yếu, có tính bứt phá của TP. 

Đặc biệt, TP tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, tạo cơ hội để doanh nghiệp hoạt động. Tăng cường đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; Các cấp, các ngành chủ động huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát; siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Chú trọng khai thác thế mạnh, đẩy nhanh chuyển đổi số để phát triển hiệu quả. Đặc biệt, UBND TP Hà Nội vừa chính thức công bố triển khai chương trình hỗ trợ chữ ký số và hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn TP Hà Nội năm 2021.

TP tăng cường đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Nội. Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Về định hướng phát triển Thủ đô, Hà Nội kiến nghị cho phép tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố ở mức 35% hiện nay lên mức 42% (bằng giai đoạn 2011 - 2016) để bảo đảm mặt bằng chi và nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2022 - 2025.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, dịch vụ

Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19, TP đã triển khai nhanh, kịp thời các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, như giãn, hoãn thuế, cơ cấu nợ, giảm lãi suất tín dụng… Cục Thuế TP đã hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh xác định số thuế, tiền thuê đất để được gia hạn thời hạn nộp và thực hiện thủ tục đề nghị gia hạn. Sở Công thương TP cũng đã đảm bảo cung ứng hàng hóa; tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa...

6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội vẫn đạt mức tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020 (tương đương 7.164 triệu USD). Theo nhiều chuyên gia, với những tiền đề hiện nay về thị trường, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 của Thành phố được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt kết quả nổi bật, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, 6 tháng cuối năm, sở tăng cường xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp vận dụng và phát huy hiệu quả ưu đãi của các hiệp định, từ đó tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế các thách thức. Tìm giải pháp giảm chi phí khai thác hạ tầng vận tải, logistics.

“Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Amazon Global Selling, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội thảo trực tuyến chuyên ngành với các hoạt động đào tạo chuyên sâu, hướng dẫn 1:1 miễn phí, giúp doanh nghiệp có nhiều kỹ năng hơn trong việc xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ và tìm thêm được các kênh xuất khẩu, thị trường mới phù hợp qua thương mại điện tử..." - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đã tham mưu UBND TP triển khai thực hiện Chương trình tuyên truyền quảng bá du lịch Thủ đô trên kênh truyền hình (VTV Travel, S Vietnam; Ẩm thực đường phố; chương trình V Việt Nam; Chuyển động 24h); tập trung nâng cao chất lượng các điểm đến, sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của từng địa phương; mở rộng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm và tổ chức sự kiện); đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch... 

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, thời gian tới, Sở sẽ tập trung cơ cấu toàn diện ngành du lịch cả về hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, doanh nghiệp du lịch, môi trường du lịch; đáp ứng những thay đổi căn bản của thị trường du lịch trong tương lai. Sở Du lịch đã đề nghị các đơn vị bắt tay triển khai sản phẩm du lịch an toàn, trong đó nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh vẫn được đặt lên hàng đầu.

Trong khi đó, Sở KH&ĐT tích cực triển khai việc đăng ký kinh doanh, các thủ tục đầu tư qua mạng; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; triển khai một số chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số...