70 năm giải phóng Thủ đô

6 tháng cuối năm, tỷ giá có biến động theo chu kỳ?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- 6 tháng đầu năm 2023, tỷ giá tương đối ổn định với mức tăng giá nhẹ so với cuối năm 2022. Trong nửa cuối năm 2023, giới phân tích nhận định rủi ro vẫn còn một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá.

Tỷ giá ổn định

Sau khi tăng mạnh trong tháng 9, 10 năm 2022, cặp tỷ giá này đã giảm khá mạnh trước khi ổn định trở lại quanh mức giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là 23.450 đồng/USD, vào cuối quý I/2023. Bước sang đầu quý II, tỷ giá biến động nhẹ.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo NHNN, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với USD trong suốt quý II năm nay dao động trong biên độ hẹp, trong khoảng 23.610-23.755 đồng/USD, tăng 0,4% so với cuối năm 2022. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, 6 tháng đầu năm 2023 NHNN  tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng chủ động, linh hoạt. Tỷ giá trung tâm giữa USD và VND vẫn được giữ ở mức ổn định.

Ngày 17/7, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm USD giảm 19 đồng so với chốt phiên cuối tuần trước (14/7). Ghi nhận đây là phiên giảm thứ 6 lao dốc, với tổng cộng giảm tới 132 đồng/USD, hiện ở mức 23.701 đồng.

Cùng đà giảm với tỷ giá trung tâm, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại lớn cũng đồng loạt giảm giá. Giá mua USD tại các ngân hàng nằm trong khoảng từ 23.400 – 23.500 đồng/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 23.800 - 23.900 đồng/USD.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tỷ giá từ đầu năm 2023 biến động quanh mức 23.240 – 23.630 VND/USD, biên độ +/-1,9%. Đây được xem là mức ổn định hơn đáng kể so với năm 2022 khi có lúc đỉnh điểm lên tới 24.692 VND đổi 1 USD, tăng 4,2% so với tỷ giá trung tâm.

Tính tới đầu tháng 6/2023, tỷ giá USD/VND đã giảm khoảng 0,52% so với đầu năm 2023 nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ thặng dư cán cân thương mại, dòng vốn FDI giải ngân, du lịch quốc tế hồi phục và một phần nhờ đồng USD yếu đi. Tuy nhiên, những tháng cuối năm vẫn còn những yếu tố bất định cần lưu tâm.

Thách thức cuối năm từ yếu tố mùa vụ

Theo Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, ngân hàng UOB Việt Nam Đinh Đức Quang, một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023, bao gồm lãi suất điều hành của Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Dù vậy, giá mua ngoại tệ của NHNN sẽ là chỉ dẫn chính cho xu hướng tỷ giá USD/VND.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và có nhiều kịch bản cho xu hướng chính sách tiếp theo của Fed, một số Công ty Chứng khoán cũng bày tỏ quan điểm thận trọng đối với xu hướng nói chung của đồng USD so với các ngoại tệ khác trên thị trường quốc tế và từ đó cũng có thể ảnh hưởng tới diễn biến tỷ giá trong nước trong thời gian sắp tới.

Trong bản tin thị trường tiền tệ trái phiếu mới công bố, các chuyên gia phân tích tại SSI Research cho biết, áp lực tỷ giá cuối năm có thể tăng khi nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh do một số khoản ngoại tệ cần phải thanh toán cũng như áp lực mang tính mùa vụ đến từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI.
Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, tỷ giá dự báo sẽ biến động theo chu kỳ vào cuối năm khi nhu cầu ngoại tệ tăng cao để thanh toán đơn hàng quốc tế. Tỷ giá VND sẽ biến động mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023. Dự báo của nhóm phân tích được đưa ra dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất, lạm phát toàn cầu cao hơn dự kiến; Thứ hai, chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế DXY mạnh hơn dự kiến có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá của Việt Nam; Thứ ba, tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam ảnh hưởng mạnh hơn đến xuất khẩu. Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD có thể sẽ gây áp lực lên tỷ giá.

NHNN đã giảm lãi suất điều hành khá quyết liệt trong nửa đầu năm 2023, đứng về mục tiêu tăng trưởng và hạ bớt tấm khiên về ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa cải thiện nhiều trong quý III cũng là cơ sở để NHNN cân đối giảm tiếp lãi suất điều hành.

Dù vậy giới phân tích cho rằng, áp lực đối với tỷ giá trong năm 2023 không mạnh bằng năm trước do: Việt Nam sẽ ghi nhận thặng dư thương mại cao; lạm phát trong xu hướng giảm; FDI và kiều hối ổn định, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ; và dự trữ ngoại hối đang được tích luỹ trở lại.

Nhóm phân tích Techcombank dự báo: Tỷ giá sẽ biến động mạnh trong tháng 7 và chịu áp lực tăng thêm trong các tháng tới. Mức tăng của tỷ giá kỳ vọng sẽ quanh vùng 1% so với hiện nay, tức là tỷ giá USD/VND bình quân có thể lên cao nhất là 24.168 VND/USD vào tháng 10/2023 rồi sau đó giảm dần trong các tháng tiếp theo".

“Tỷ giá VND sẽ biến động mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023, tuy nhiên, tỷ giá USD/VND sẽ biến động không quá +/-2% so với đầu năm, dưới mức biên độ theo NHNN quy định +/- 5%”- bà Nguyễn Thị Phương Lam - Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định.

Trước đó, NHNN công khai thông tin đã bổ sung dự trữ ngoại hối khoảng 6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 93 tỷ USD. Theo IMF, dự báo dự trữ ngoại hối Việt Nam cuối năm 2023 ở mức 95 tỷ USD. Điều này là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể cao hơn khi tình hình xuất nhập khẩu và FDI cải thiện hơn nữa.

 

Hiện chi phí nguyên, nhiên liệu, cước quốc tế đường biển hay đường không, hầu hết các DN phải thanh toán bằng đồng USD. Do đó, khi tỷ giá được bình ổn thì đã giúp đỡ khá nhiều cho các DN logistic và các DN xuất nhập khẩu nói chung. (Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Delta Trần Đức Nghĩa).