Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

6 tháng đầu năm: Xuất, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đều tăng mạnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm đã tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước.

KTĐT - Kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm đã tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm đã tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Sơn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam lại cho đây là điều đáng mừng.

Trong sáu tháng qua, xuất khẩu hàng dệt may đạt trên 4,8 tỷ USD nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng vượt hơn 4 tỷ USD, nếu trừ 800 triệu USD là nhập khẩu của ngành da giày thì thực tế còn lại 3,2 tỷ USD. Xét về tương quan cán cân xuất nhập khẩu như vậy có bất thường không, thưa ông?

Tôi không cho rằng đó là điều bất thường bởi công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may của Việt Nam vẫn còn rất yếu, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất vải. Tuy những năm gần đây, Chính phủ và ngành có kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, nhưng việc quyết định đầu tư hay không hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, trong giai đoạn khủng hoảng thì họ chỉ lo để tồn tại và duy trì được hoạt động cũng là khá rồi, cho nên đầu tư cũng là tương đối khó.

Trong con số 3,2 tỷ USD nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may thì một phần lớn (khoảng 75% – theo tính toán của các chuyên gia trong ngành) được sử dụng để gia công hàng dệt may xuất khẩu, còn một phần (khoảng 25%) dành cho sản xuất tiêu dùng nội địa. Nếu trừ đi kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất tiêu dùng nội địa thì tỷ trọng giá trị gia tăng trong xuất khẩu so với nguyên liệu đầu vào trong 6 tháng đầu năm còn khoảng 2,5 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm đã tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước. Ông có thể cho biết nguyên nhân chính là gì?

Khoảng 70% nguyên phụ liệu cho ngành sản xuất dệt may của Việt Nam vẫn dựa vào nhập khẩu. Do đó, nếu nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng chứng tỏ sản xuất trong nước đang tiến triển rất tốt và những tháng sau sẽ có kết quả là kim ngạch xuất khẩu tăng lên. Ngoài yếu tố tăng khối lượng thì năm nay còn có yếu tố giá nguyên liệu đầu vào gia tăng rất mạnh, chẳng hạn như bông xơ, năm 2009 chỉ 1,3 USD/kg, nay đã tăng vọt lên 1,9 USD/kg, thậm chí trên 2 USD/kg, giá vải cũng tăng mạnh, kể cả sơ xợi cũng tăng...

Tất nhiên, khi chúng ta nhập khẩu nguyên phụ liệu với giá cao hơn thì chúng ta lại tính vào giá thành xuất khẩu. Cho nên trong điều kiện như hiện nay, nếu nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng thì đó là điều đáng mừng.

Theo ông, chi phí đầu vào tăng cao như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành trong sáu tháng cuối năm?

Một đặc điểm của năm 2010 là khi đã vượt qua khủng hoảng, giá nguyên liệu đã tăng trở lại rất mạnh. Giá bông xơ tăng, kéo theo giá các loại nguyên phụ liệu khác cũng tăng theo. Tuy nhiên, giữa giá thành của sản phẩm với giá thành của nguyên phụ liệu nhiều khi không có cùng mức, nhưng dần dần sẽ có sự tăng trưởng tương ứng.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, giá xuất khẩu của hàng dệt may từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 10 – 15%, trong đó có cả phần tăng giá của nguyên liệu và có cả phần tăng giá gia công. Đối với các doanh nghiệp, khi giá cả nguyên liệu biến động chắc chắn sẽ gây khó khăn nhất định, họ phải tính toán thời điểm nào nhập khẩu nguyên liệu luôn được mức giá thấp hơn, điều này giúp doanh nghiệp chủ động tính giá cả đầu vào, giá cả đầu ra để đảm bảo kinh doanh không bị lỗ.

Song song với việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, trong vài năm trở lại đây, Việt Nam cũng bắt đầu xuất khẩu nguyên phụ liệu. Năm 2010, ngành dệt may phấn đấu xuất khẩu sợi khoảng 1,8 – 1,9 tỷ USD. Theo ông, mục tiêu này có đạt được hay không?

Ngành sợi hiện nay đang làm ăn rất tốt, lý do là khi kinh tế phục hồi thì những nhu cầu nguyên liệu nói chung như bông xơ, sợi, xơ sợi tổng hợp... đều tăng. Trong khi đó, Trung Quốc đang bị áp thuế chống bán phá giá vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Braxin, nên 2 thị trường này đang là lợi thế đối với ngành sợi Việt Nam trong việc tăng xuất khẩu.

Còn bản thân Trung Quốc vốn là một thị trường khổng lồ về nguồn nguyên phụ liệu, nhưng do vấn đề phát triển quá nóng dẫn đến nhu cầu nguyên liệu quá lớn trong những tháng đầu năm, nên thay vì xuất khẩu sợi, Trung Quốc phải quay sang nhập khẩu sợi từ Việt nam, Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ.

Ngoài ra, do biến động lao động của Trung Quốc dẫn đến các doanh nghiệp dệt ở các tỉnh ven biển của Trung Quốc đang thiếu lao động nghiêm trọng nên nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc chuyển dịch lao động đi nơi khác khiến Trung Quốc bị khủng hoảng nguồn nguyên liệu. Điều này dẫn đến việc Trung Quốc phải nhập khẩu sợi tương đối lớn trong những tháng vừa qua. Đó cũng là cơ hội cho Việt  Nam, theo đà hiện nay các doanh nghiệp kéo sợi gần như đang hoạt động 100% công suất nên xuất khẩu sợi năm nay sẽ có tăng trưởng đáng kể, đóng góp chung vào xuất khẩu của toàn ngành.

Bên cạnh đó, lượng vải xuất khẩu cũng không ngừng gia tăng mỗi năm, tuy nhiên kim ngạch mang lại vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của ngành dệt may, ông có thể lý giải nguyên nhân do đâu?

Theo thống kê về sản lượng công nghiệp của Bộ Công Thương, năm 2009 Việt Nam đã sản xuất được 1 tỷ mét vải, nhưng trong đó có cả vải mộc, vải hoàn tất. Xuất khẩu vải năm 2009 đã đạt trên 400 triệu USD nhưng chủ yếu là xuất vải mộc cho các doanh nghiệp nước ngoài để họ hoàn tất và sau đó bán ra các thị trường, trong đó có cả Việt Nam.

Do công nghiệp nhuộm hoàn tất của Việt Nam vẫn chưa phát triển nên đã tạo thành “nút thắt cổ chai” gây khó khăn cho ngành, mặc dù sợi và may mặc phát triển rất mạnh nhưng do Việt Nam không hoàn tất được nên khi kéo sợi, dệt vải xong đã phải bán sản phẩm, tất nhiên cũng có giá trị gia tăng nhưng không thật cao do chưa thu hút được đầu tư trực tiếp như may mặc. Do đó, cần phải có cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư để giải quyết được bài toán giảm xuất khẩu sợi, giảm xuất khẩu vải mộc, tăng xuất khẩu vải hoàn tất, tăng lượng vải cung ứng cho may xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho ngành, đồng thời nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.