Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

6 VĐV Việt Nam dính doping tại SEA Games 31 sử dụng chất lợi tiểu?

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Loại chất cấm được phát hiện trong những mẫu thử của 6 VĐV Việt Nam là furosemide. Trong trường hợp bị xác định sử dụng doping, VĐV sẽ chịu án phạt rất nặng từ Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) như: Tước huy chương, cấm thi đấu có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Như báo Kinh tế & Đô thị đưa tin,  6 vận động viên (VĐV) của đoàn thể thao Việt Nam liên quan đến doping (chất cấm) tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), trong đó có các VĐV điền kinh giành huy chương tại SEA Games 31, gây xôn xao dư luận.

Theo đó, 6 mẫu thử lần một (mẫu A) của 6 VĐV đoàn thể thao Việt Nam dương tính với chất cấm. Việc đưa ra kết luận cuối cùng các VĐV này có dính chất cấm hay không còn tiếp tục chờ kết quả mẫu xét nghiệm thứ hai (mẫu B). Chỉ khi mẫu B cũng cho kết quả dương tính, các VĐV mới bị xác định là vi phạm quy định về phòng, chống doping. Kết luận này do Cơ quan chống doping thế giới (WADA) đưa ra.

Loại chất cấm được phát hiện trong những mẫu thử của 6 VĐV Việt Nam là furosemide. Ảnh: Ngọc Tú
Loại chất cấm được phát hiện trong những mẫu thử của 6 VĐV Việt Nam là furosemide. Ảnh: Ngọc Tú

Để xét nghiệm mẫu B, VĐV sẽ phải chịu chi phí trong đó Liên đoàn bộ môn có thể hỗ trợ VĐV làm thủ tục. Hiện Việt Nam chưa có phòng xét nghiệm doping và chi phí cho một mẫu xét nghiệm doping lên đến 300 USD.

Sau khi có kết quả xét nghiệm 2 mẫu thử, các VĐV dương tính với doping phải giải trình với hội đồng đánh giá của Trung tâm Doping và Y học Thể thao Quốc gia và Cơ quan chống doping thế giới về mức độ vi phạm. Sau khi xem xét giải trình của VĐV, Hội đồng đánh giá sẽ cân nhắc chứng cứ, thông tin liên quan... xác định hành vi vi phạm doping; đánh giá tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và đề xuất hình thức xử lý vi phạm.

Trong trường hợp bị xác định sử dụng doping, VĐV sẽ chịu án phạt rất nặng từ Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) như: Tước huy chương, cấm thi đấu có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Bên cạnh đó, tiền thưởng cho thành tích của VĐV cũng có thể bị thu hồi. Ngoài thành tích cá nhân, nếu VĐV tham gia các nội dung đồng đội tại SEA Games 31, kết quả của cả đội cũng sẽ không được tính.

Cần làm rõ trách nhiệm của HLV, VĐV cũng như các bên có liên quan khi có VĐV dương tính với doping. Ảnh: Ngọc Tú.
Cần làm rõ trách nhiệm của HLV, VĐV cũng như các bên có liên quan khi có VĐV dương tính với doping. Ảnh: Ngọc Tú.

Được biết, loại chất cấm được phát hiện trong những mẫu thử của 6 VĐV Việt Nam là furosemide - một chất lợi tiểu có tác dụng khiến cơ thể không tích nước, dẫn đến giảm cân. Đây là chất cấm mà VĐV TDDC Đỗ Thị Ngân Thương đã sử dụng do thiếu hiểu biết và bị phát hiện dương tính sau Olympic 2008.

"Trong danh mục chất cấm của WADA có những chất như glucocorticoid thường nằm trong các loại thuốc có công dụng chính là giảm phù nề, chống viêm, được sử dụng bình thường khi điều trị bệnh lý viêm nhiễm. Ngoài ra, thực phẩm chứa chất tạo nạc cũng có thể là nguyên nhân, dù trường hợp này hiếm khi xảy ra. Dù cố ý hay vô tình, các VĐV đều bị coi là vi phạm và phải chịu trách nhiệm" - Một thành viên của Trung tâm Doping và Y học Thể thao nhận định.

Việc sử dụng thuốc có chứa chất cấm của các VĐV được xác định cố tình sử dụng doping để tăng hiệu suất vận động khi thi đấu, nhưng cũng có nhiều trường hợp do sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng mà không tham khảo kỹ thành phần. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ trách nhiệm của HLV, VĐV cũng như các bên có liên quan, trong đó Tổng cục TDTT cần có trách nhiệm cao nhất khi là đơn vị quản lý. Việc để VĐV liên quan đến chất cấm chắc chắn sẽ có nhiều nguyên nhân được đưa ra, ngoài ý thức mỗi cá nhân cũng cần nhìn nhận vào sự thật khi công tác quản lý, tuyên truyền cho VĐV tại Việt Nam còn nhiều bất cập, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh thể thao nước nhà.

 

Năm 2022, WADA đã ký bản hợp tác với ASEAN để qua đó thúc đẩy chương tình phóng chống doping trong thể thao tại cộng đồng các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, cùng chung tay nâng cao ý thức việc phòng tránh sử dụng chất cấm trong thi đấu thể thao. Tại SEA Games 31, Tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping của SEA Games 31 đã thực hiện buổi tuyên truyền phòng chống doping trong thể thao với thông điệp “Say no to doping - Nói không với chất cấm”.