6 VĐV Việt Nam dính doping tại SEA Games 31: Ý thức và thiếu chuyên nghiệp

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – 6 vận động viên (VĐV) của đoàn thể thao Việt Nam liên quan đến doping (chất cấm) tại Đaị hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), trong đó có các VĐV điền kinh giành huy chương tại SEA Games 31, gây xôn xao dư luận.

Việc sử dụng doping để gia tăng thành tích thể thao một cách gian lận, bất chấp hậu quả về sức khỏe cũng như thiếu hiểu biết luôn là một vấn nạn nhức nhối.

Có 2 trường hợp dẫn đến dương tính với doping

SEA Games 31 khép lại thành công tốt đẹp tại Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận với 40 môn thi, 526 nội dung với sự góp mặt của hơn 10.000 VĐV, cán bộ, trọng tài... đến từ 11 đoàn thể thao khu vực Đông Nam Á. Thành công của SEA Games 31 để lại ấn tượng với người hâm mộ trong nước cũng như khu vực, nhưng thể thao Việt Nam đang vướng phải vấn đề liên quan đến doping.

Điền kinh Việt Nam đứng trước nghi vấn có VĐV liên quan đến doping tại SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.
Điền kinh Việt Nam đứng trước nghi vấn có VĐV liên quan đến doping tại SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.

Theo qui định, trước khi bắt đầu thi đấu các môn thể thao, cơ quan kiểm tra doping cùng các Liên đoàn thể thao và Ban Tổ chức thương thảo, xác định số lượng cùng phương pháp chọn VĐV kiểm tra. Cùng với đó, sẽ chọn VĐV kiểm tra thông thường quyết định bởi ngôi thứ thi đấu, có phá kỷ lục hay không, theo hình thức bốc thăm hoặc cũng có thể căn cứ theo tình hình đặc biệt tuỳ ý chỉ định VĐV kiểm tra.

Tại SEA Games 31, Ban Tổ chức đã lấy 1.000 mẫu thử doping và phát hiện ra nhiều ca sử dụng doping của đoàn thể thao các nước cũng như của chủ nhà Việt Nam. Cụ thể, có đến 6 mẫu thử lần một (mẫu A) của 6 VĐV đoàn thể thao Việt Nam dương tính với chất cấm trong quá trình thi đấu ở SEA Games 31 tháng 5/2022. Việc đưa ra kết luận cuối cùng các VĐV này có dính chất cấm hay không còn tiếp tục chờ kết quả mẫu xét nghiệm thứ hai (mẫu B). Khả năng cao Ban Tổ chức SEA Games 31 sẽ công bố trước 2 VĐV Việt Nam của đội điền kinh khi đầy đủ kết quả.

Bác sĩ Vũ Trọng Hải thuộc Trung tâm Doping và Y học Thể thao Việt Nam (VADA) cho biết, ở Việt Nam thường xảy ra 2 trường hợp dẫn đến dương tính với doping là lỡ sử dụng đồ ăn, thuốc uống do thiếu kiến thức và cố ý sử dụng để đạt thành tích cao. Trong đó, trường hợp sử dụng do thiếu kiến thức chiếm đa số.

"Tổ chức phòng, chống doping thế giới có mục đích bảo vệ sức khỏe cho VĐV là đầu tiên, công bằng trong thể thao là thứ hai. Nhiều VĐV hay HLV của Việt Nam đều lờ mờ thông tin, trong đó có Clorpheramine Maleat (trị cảm cúm) là thuốc cảm bị cấm. Vì không hiểu biết nên nhiều trường hợp phải nhận án phạt nặng. Đơn cử VĐV cử tạ Lê Văn Công sau khi tham dự Giải Vô địch cử tạ dành cho người khuyết tật thế giới 2010 đã phải nhận án phạt cấm thi đấu 2 năm do dương tính với Betamethasone Glucocorticoid (chống viêm giảm phù nề)” – ông Vũ Trọng Hải cho biết.

Trước đó, có trường hợp 6 VĐV thể hình dính doping khi SEA Games 31 chuẩn bị khởi tranh và được phía Tổng cục TDTT xác nhận. Các VĐV này sau đó đều bị loại khỏi đội tuyển, không được thi đấu tại Đại hội.

Ý thức và sự chuyên nghiệp của VĐV

VĐV liên quan đến doping trong thể thao là điều không hiếm gặp. Trước khi 6 VĐV thể hình dính doping được công bố, thể thao Việt Nam đã từng có 16 ca/17 năm có liên quan đến doping. Trong đó có 4 trường hợp có liên quan đến doping trong thi đấu khiến đoàn thể thao Việt Nam mất 8 HCV và 1 HCB gồm Hoàng Hồng Anh (2 HCV môn Canoeing), Phạm Thị Dịu (3 HCV Lặn), Phạm Toàn Thắng (3 HCV Lặn), và Nguyễn Mai Quỳnh (HCB điền kinh) tại SEA Games 2003 hay trường hợp 2 VĐV cử tạ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng năm 2020, trước đó là vào năm 2019 của 2 VĐV cử tạ khác bị đình chỉ là Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh…

Nghi vấn Đoàn thể thao Việt Nam có nhiều VĐV nhiễm doping tại SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.
Nghi vấn Đoàn thể thao Việt Nam có nhiều VĐV nhiễm doping tại SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.

Theo Trưởng phòng Y học thể thao thuộc Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Nguyễn Trọng Hiền: “VĐV thường không hiểu vì sao lại dính chất cấm bởi sự thiếu hiểu biết và thiếu chuyên nghiệp. Nó có thể bắt nguồn từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống hàng ngày. Do vậy, cần phải việc quan trọng đầu tiên là nâng cao ý thức ngay từ các VĐV".

Theo qui định, định kỳ vào tháng 9 hàng năm, Tổ chức phòng, chống Doping thế giới sẽ gửi thông báo đến các thành viên, đồng thời đăng tải trên website danh sách các chất cấm mới. Các thành viên sẽ có khoảng thời gian khoảng 4 tháng để cập nhật, phổ biến tới HLV, VĐV trước khi danh sách chính thức được áp dụng vào 1/1 năm sau.

Việc liên quan đến doping là điều đáng tiếc cho thể thao nước nhà cũng như cá nhân VĐV khi bị tước huy chương, huỷ bỏ thành tích, đối mặt với án phạt rất nặng như cấm thi đấu nhiều năm, phạt tiền... Dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng sự việc vẫn xảy ra đầy đáng tiếc là hồi chuông cảnh tỉnh cho thể thao Việt Nam. Ngoài câu chuyện ý thức của các VĐV đã được đề cập nhiều thì sự việc cũng báo động cho công tác quản lý, huấn luyện. Trong đó, những HLV trực tiếp quản lý VĐV cũng có phần trách nhiệm lớn trong công tác huấn luyện, lưu ý các học trò.

Về án phạt đối với các VĐV liên quan đến chất cấm sẽ phụ thuộc ở 3 yếu tố:  là chuyên nghiệp hay nghiệp dư; chất cấm mà VĐV vi phạm là chất gì và Liên đoàn môn thi đấu sẽ có quyền đưa ra án phạt như thế nào... rồi mới có quyết định cụ thể về việc xử phạt.

 

Thông tư 17/2015/TT-BVHTT&DL (ngày 20/12/2015) Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao qui định rõ về việc xử lý vi phạm được các Liên đoàn, Hiệp hội thực hiện: “Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận đánh giá mức độ vi phạm doping, cơ quan có thẩm quyền, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia ban hành Quyết định xử lý vi phạm bao gồm: Hình thức xử phạt, thời gian cấm tham gia hoạt động thể thao trên cơ sở đánh giá mức độ vi phạm và hình phạt bổ sung theo quy định của Liên đoàn, Hiệp hội.