Số liệu quan trắc của cơ quan khí thượng thủy văn sáng nay (1/10) cho thấy, từ 19 giờ ngày 27/9 đến 19 giờ ngày 30/9, ở khu vực Trung Bộ có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 300 - 400mm, trong đó mưa tập trung chủ yếu vào ngày 28 - 29/9 tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam.
Một số trạm có tổng lượng mưa lớn như: Quỳnh Lưu (Nghệ An) 579mm, Thanh Thủy (Nghệ An) 567mm, Hố Hô (Hà Tĩnh) 515mm, Hương Quang (Hà Tĩnh) 468mm, đầu mối hồ Việt An (Quảng Nam) 631mm...
Do ảnh hưởng của mưa lớn, hiện nay, lũ trên sông Cả (Nghệ An), hạ lưu sông La (Hà Tĩnh) và mực nước trên các sông ở Thanh Hóa đang lên; sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) biến đổi chậm. Dự báo trong 13 giờ tới, lũ hạ lưu sông Cả sẽ xuống chậm, nhưng hạ lưu sông La lên trên báo động 1.
Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo ngày 1/10, trên các sông ở Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ các sông nhỏ, thượng lưu Mã lên mức báo động 1 và trên báo động 1; hạ lưu sông Mã ở dưới mức báo động 1.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, đặc biệt tại các huyện: Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Thanh Chương (Nghệ An); Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh). Đề phòng sự cố công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cho thấy tình hình thiệt hại do mưa lũ đã gia tăng so với hôm qua (30/9). Đến sáng nay (1/10), đã ghi nhận tổng số 7 người chết (đều tại Nghệ An).
Mưa to gió lớn cũng khiến 20 nhà thiệt hại trên 70%; 121 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 55 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Hiện, 1.120 hộ vẫn đang phải di dời, chưa thể trở về dù bão số 4 đã đi qua. Ngoài ra, 18.828 nhà bị ngập (trong đó, Nghệ An 17.489, Hà Tĩnh 1.339), hiện nước đang rút chậm.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Đức Quang cho biết, hiện nay, mưa lũ còn diễn biến phức tạp tại miền Trung. Chính vì vậy, đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các công điện số 875/CĐ-CP ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Những ngày tới, cần tập trung thống kê, tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại. Huy động lực lượng kịp thời, khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão; dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường phố, khôi phục hệ thống điện, thông tin, nước sạch sinh hoạt để nhanh chóng khôi phục hoạt động bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho người dân.
Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ người dân, nhất là những hộ khó khăn sửa chữa lại nhà cửa bị sập đổ, tốc mái, hư hại; khắc phục nhanh các công trình công cộng (trường học, trạm y tế...) để bảo đảm điều kiện cho học sinh trở lại trường, nơi khám chữa bệnh cho người dân. Đồng thời, khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân thời gian tới.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết từ ngày 1 - 2/10, ở khu vực Trung du, Đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to và dông, với tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Cảnh báo mưa dông ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ kéo dài đến đêm 2/10, từ ngày 3/10 mưa dông giảm nhanh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.