Đây là báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội, nhưng theo đánh giá, vẫn chưa chỉ ra được trách nhiệm và giải pháp khắc phục cụ thể.
Phải đảm bảo quyền lợi của người dân khi giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai. Ảnh: Huy Hùng
Khiếu nại tập trung vào các quyết định hành chính
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Trưởng Đoàn giám sát cho biết: Trong quản lý đất đai, nội dung KNTC đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung vào khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chiếm 70%; khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%; KN về cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%.
Báo cáo cũng chỉ rõ, đối với các vụ việc thuộc cơ quan hành chính thụ lý, giải quyết, tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và khiếu nại, tố cáo có đúng có sai chiếm hơn 47,8%. Tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại Tòa án nhân dân các cấp chiếm 19,5% các vụ đưa ra xét xử. Qua đó cho thấy, việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót. Vậy mà việc nghiên cứu, đánh giá kết quả giải quyết chưa được chú trọng. Các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài đạt 66,7%, hiện còn 528 vụ việc đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
Các thành viên UBTVQH cho rằng, tình hình diễn biến về các quyết định hành chính trong các lĩnh vực đất đai ngày càng tăng và có chiều hướng phức tạp, trong đó, khiếu kiện đông người nhiều, tỷ lệ KNTC đúng và có đúng có sai gần 48%, có địa phương tới 70%. Do đó, cần làm rõ hơn về việc xử lý, giải quyết. Như vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng hồi tháng 1/2012. Mặc dù đã diễn ra đã quá lâu nhưng việc điều tra vẫn chưa có kết quả, trong khi đó nhiều vụ cướp của, giết người lại được khám phá nhanh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét: Chắc chắn là quyết định hành chính sai mới dẫn đến KNTC nhiều, nhưng cấp nào sai nhiều, phạm vi nào sai nhiều, trách nhiệm của người ra thẩm quyền đến đâu, bao nhiêu cái sai đã được khắc phục, xử lý cá nhân tổ chức sai thế nào… đều chưa được làm rõ.
Nhận xét này nhận được nhiều sự đồng tình của các thành viên UBTVQH. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Thoa nêu thực tế, qua tiếp xúc cử tri ông phát hiện không ít quyết định ban hành sai là do tiêu cực, tham nhũng, cấp trên bao che cho cấp dưới. Ngoài chuyện thiếu trách nhiệm, rõ ràng còn có nguyên nhân quan trọng là vô cảm, thờ ơ trước khiếu kiện của dân.
Vấn đề cốt lõi nằm ở bộ máy cán bộ
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, phải sửa các bất cập nêu trên cùng Luật Đất đai càng nhanh càng tốt. Nếu cơ quan chức năng không mạnh dạn sửa các quy định mâu thuẫn, sẽ khó có thể tạo chuyển biến trong KNTC của công dân về đất đai. Nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng: "Đừng nghĩ rằng sửa được chính sách thì KNTC giảm đi". Bởi, khiếu nại đúng, đúng một phần đã chiếm gần một nửa số liệu của cơ quan hành chính giải quyết. Vấn đề cốt lõi nằm ở bộ máy cán bộ. KNTC chỉ được giải quyết khi tập trung được một bộ máy có đủ năng lực với lực lượng cán bộ tập hợp từ các bộ, ngành liên quan. Hơn nữa, "dù có bị công dân khởi kiện về quyết định của chính mình, thì cũng chưa thấy Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện nào ra tòa, mà hầu như ủy quyền cho giám đốc sở chánh hay văn phòng", đây là vấn đề được trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đặt ra. "Thực tế, do bận rất nhiều việc nên người đứng đầu UBND thường ủy quyền cho các cấp giải quyết, còn tự mình chỉ ký quyết định. Như thế thì rất khó sửa sai, một khi người đứng đầu đã ký quyết định giải quyết ban đầu, làm lại là rất khó khăn. Nên phải xác định lại, chặt chẽ hơn về thẩm quyền giải quyết" - bà Nguyễn Thị Nương nói.
Nhấn mạnh đến việc báo cáo cần phân loại cái sai, tìm ra địa chỉ sai, sai gì phải sửa và có yêu cầu rõ ràng phải rà soát, bổ sung, sửa chữa như thế nào… , Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, về số lượng KNTC liên quan đến đất đai chiếm đến 69%, còn các quyết định hành chính tỷ lệ sai đến một nửa, tình trạng nghiêm trọng như vậy, phải tập trung làm cấp tập, quyết liệt giải quyết tồn đọng đến nơi đến chốn để giảm cho được tình hình nói trên. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các cơ quan Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ TN&MT nên tiến hành rà lại các quyết định hành chính, có địa chỉ rõ ràng để xử lý và kết quả xử lý báo cáo trước Quốc hội. "Quyết định sai thiệt hại cho dân thì phải đền bù cho dân. Sai ở đâu sửa ở đó. Như vậy, có hai việc cần làm ngay là giải quyết số vụ tồn đọng và không làm phát sinh vụ việc mới" - Chủ tịch nhấn mạnh.
Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2003 đến năm 2010 các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư khiếu nại, tố cáo trong đó đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%. Từ năm 2008 - 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư với 495.017 vụ việc. |