Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

78 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đạt hạng 4 và 5 sao

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng như Bộ LĐTB&XH rất mong muốn các DN xuất khẩu lao động (XKLĐ) tham gia vào Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) và áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử (CoC-VN)!”.

Ngày 17/4, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết thông tin trên tại Hội nghị đánh giá, xếp hạng DN thực hiện CoC-VN năm thứ 4, do Hiệp hội VAMAS tổ chức. TS Nguyễn Lương Trào – Chủ tịch Hiệp hội VAMAS thông tin, có 86 DN được giám sát và đánh giá thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử năm thứ 4 (từ 1/1/2016 đến 31/12/2016). Kết quả cho thấy: 37 DN được xếp hạng 5 sao, 41 DN hạng 4 sao và 8 DN hạng 3 sao.
 Người lao động được tham dự các lớp học trước khi xuất cảnh
“Việc đánh giá DN được thực hiện trên các lĩnh vực như quảng cáo, tuyển chọn, đào tạo, ký kết hợp đồng, giải quyết tranh chấp và hỗ trợ lao động trở về; còn xếp hạng DN được chia làm sáu bậc, từ 1 đến 6 sao dự trên kết quả của Hội đồng đánh giá”- ông Trào giải thích.

Theo ông Trào, Hội đồng đánh giá đánh giá và xếp hạng các DN dựa trên thông tin thu thập từ các sở LĐTB&XH, thanh tra của Bộ LĐTB&XH, thanh tra Cục Quản lý lao động ngoài nước, các Ban Quản lý lao động Việt Nam ở các nước nhận lao động, các phương tiện thông tin đại chúng và cả từ người lao động trước khi xuất cảnh cũng như lao động đã về nước.

Nhận xét về Bộ CoC-VN, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết nó rất tốt vì bao hàm được những nội dung như tuyển chọn công bằng và có đạo đức. Những lao động nào đủ điều kiện thì mới được XKLĐ, chứ không phải người quá già, có tiền sử về bệnh tật không có khả năng thích nghi.

Không chỉ thế, Bộ CoC-VN cũng quy định việc đào tạo, định hướng, trang bị tất cả những hiểu biết về phong tục tập quán của nước bạn. Lại có những tiêu chí quy định về mức phí, chính sách hỗ trợ lao động tại nước sang làm việc cũng như giải pháp hỗ trợ cho lao động khi quay trở lại Việt Nam.

“Chắc chắn, Bộ Quy tắc ứng xử này sẽ xây dựng thương hiệu cho DN, bảo vệ được quyền lợi của người lao động. Tất nhiên, cũng làm cho hình ảnh của lao động Việt Nam tại các nước sang làm việc đẹp hơn, nâng cao giá trị, thương hiệu, uy tín của lao động Việt nam” – ông Diệp khẳng định.

 Bộ Quy tắc ứng xử của VAMAS (CoC-VN) được thông qua năm 2010 và đã có 144 DN ký cam kết tuân thủ các nguyên tắc và hướng dẫn trong đó. Với sự hỗ trợ của Dự án “Hành động ba bên nhằm tăng cường sự đóng góp của lao động di cư vào tăng trưởng và sự phát triển trong ASEAN”, cơ chế giám sát và đánh giá đã được xây dựng vào năm 2012. 

Trong giai đoạn I (2012 – 2013), có 20 DN được đánh giá và xếp hạng. Năm 2013, VAMAS đã mở rộng phạm phi giám sát và đánh giá việc thực hiện CoC-VN cho 47 DN tuyển dụng được cấp phép. Số lượng các DN được tuyển dụng tham gia vào hoạt động giám sát và đánh giá CoC-VN đã được nâng lên thành 66 trong năm 2014 và đạt tới 88 vào năm 2015.