Các dự án cao tốc được đề xuất gồm: Tuyên Quang - Hà Giang, Hòa Liên - Túy Loan, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - An Hữu.
Các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải có vốn đầu tư lớn, có ảnh hưởng đến môi trường, diện tích giải phóng mặt bằng lớn, thực hiện đòi hỏi có các cơ chế đặc biệt.
Các dự án được đưa vào danh mục trọng điểm sẽ được Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành đề xuất với Chính phủ giải pháp để đẩy nhanh tiến độ. Ban Chỉ đạo cũng kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư dự án, các tổ chức tư vấn, nhà thầu thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình.
Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang dài gần 105 km, trong đó 77km thuộc Tuyên Quang và 27,5km thuộc Hà Giang, có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, quy mô hai làn xe. Những năm tới, cao tốc sẽ được nâng lên bốn làn xe và kéo dài đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) với tổng chiều dài 165 km. Vận tốc thiết kế 80 - 100km.
Tỉnh Tuyên Quang đã được đầu tư xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đoạn Tuyên Quang - Hà Giang được đầu tư sẽ hoàn chỉnh tuyến cao tốc từ Hà Nội đến Hà Giang dài hơn 200km.
Ba dự án Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương nằm trong tổng thể tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài hơn 200km, nhằm kết nối TP Hồ Chí Minh lên các tỉnh Tây Nguyên. Tuyến đường sẽ kết nối với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hiện nay, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 20. Tuyến đường cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Đoạn Dầu Giây - Tân Phú được phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP, tổng mức đầu tư 8.365 tỷ đồng. Hai dự án thành phần còn lại là Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương cũng đã được tỉnh Lâm Đồng đề xuất đầu tư với tổng số vốn lần lượt là 19.500 và 12.500 tỷ đồng.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành (Bình Phước) dài 68,7km, tốc độ thiết kế 80 - 100km/h gồm 6 làn xe và 4 làn đô thị hai bên với bề rộng nền đường từ 60 - 64m. Dự án được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP với sơ bộ tổng mức đầu tư 24.275 tỷ đồng.
Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài 26km, tổng mức đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng. Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài 27km, đi qua Đồng Tháp và Tiền Giang, tổng kinh phí hơn 5.880 tỷ đồng. Hai tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh được xây dựng sẽ rút ngắn thời gian từ Đồng Tháp đi TP Hồ Chí Minh xuống còn 2 tiếng thay vì 4 tiếng như hiện nay.
Bộ GTVT cũng đề nghị bổ sung thành viên Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia là Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hà Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp - các địa phương có cao tốc đi qua.
Tính đến tháng 8/2023, danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải gồm 12 dự án đường bộ cao tốc, hai đường vành đai (vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP Hồ Chí Minh), đường Hồ Chí Minh, hai tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; hai dự án hàng không là sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.