Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

8 giải pháp đẩy mạnh cuộc cách mạng nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 27/1, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có bài tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

15/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu
Mở đầu tham luận, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, 5 năm qua, ngành nông nghiệp đã tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII trong bối cảnh có nhiều cơ hội, thuận lợi; nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp thường xuyên nhận được sự quan tâm đặc biệt của T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Nhờ đó, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân đã được toàn bộ hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương, các cấp, ban ngành vào cuộc quyết liệt, đồng bộ. 
 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Với sự đồng lòng, chung sức phấn đấu của cả nước, nông nghiệp không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới. Điều này thể hiện, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nổi bật làTốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân đạt 2,62%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 190,5 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; Hết năm 2020 có 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bài học kinh nghiệm lớn, sâu sắc đúc rút cho toàn ngành nông nghiệp từ thành quả 5 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII  sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất cụ thể của Đảng, Quốc hội, Chính phủsự giúp đỡ, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị; lựa chọn những giải pháp đột phá để chỉ đạo quyết liệt. Các thành quả to lớn và từ bài học kinh nghiệm nêu trên một lần nữa khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả và hợp lòng dân trong các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 
Phát triển nền nông nghiệp hội nhập
năm tới, Việt Nam triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, nông nghiệp vẫn sẽ là thế mạnh của đất nước ta, đang và sẽ tiếp tục tạo sinh kế bền vững, việc làm, thu nhập cho người dân và số đông lao động; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống và góp phần bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội. 
Nhất trí cao với dự thảo các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển nông nghiệp được nêu tại văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tư lệnh ngành NN&PTNT mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội từ T.Ư đến địa phương nhằm giải quyết một cách đồng bộ, tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp.
Sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá là giải pháp cho nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập
Nhấn mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế là mục tiêu xuyên suốt, một cuộc cách mạng to lớn, lâu dàiBộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề cập đến 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. 
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế” đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu. 
Thứ hai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành; trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, nhất là cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm, hợp tác công tư. Hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi của nông dân.
Thứ ba, thông tin, dự báo tình hình thị trường, tranh thủ lợi thế các Hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế để ổn định, giữ vững các thị trường truyền thống, quy mô lớn, phát triển thị trường mới. Định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ, có chiến lược đàm phán mở cửa thị trường, phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng. Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam chất lượng cao, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.
Thứ tư, phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thông minh tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm. Phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế. 
Thứ năm, nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung giải quyết các khâu then chốt, ứng dụng nhanh thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao để tạo tăng trưởng đột phá. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, chuyển dịch đồng bộ lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ với những điều kiện an sinh xã hội tốt hơn. 
Thứ sáu, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình “chuyển đổi số, kinh tế số” trong lĩnh vực nông nghiệp; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.
Thứ bẩy, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn theo hướng nông dân giàu có, văn minh và bảo đảm môi trường sinh thái.

Thứ tám, huy động nguồn lực, đầu tư hạ tầng đồng bộ cho nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, bền vững, đảm bảo khả năng chống chịu trước rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn; triển khai phong trào trồng mới 1 tỷ cây xanh góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.