Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

8 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Cạnh tranh bằng mẫu mã và chất lượng

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 8 năm triển khai Cuộc vận động (CVĐ)“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt đã được người tiêu dùng (NTD) ưu tiên chọn lựa.

Tuy nhiên, để hàng Việt thực sự có sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập thì chất lượng, mẫu mã là yếu tố DN phải chú trọng.
92% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt

Theo kết quả điều tra do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội - Ban Tuyên giáo T.Ư thực hiện, có 92% NTD được hỏi "rất quan tâm" và "quan tâm" đến CVĐ; 63% NTD "tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam"… Số liệu nghiên cứu của Công ty Nielsen cho thấy, có đến 90% NTD tại TP Hồ Chí Minh và 83% NTD tại Hà Nội chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt Nam khi mua sắm. Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn TP, tỷ lệ hàng nội địa có mặt tại các siêu thị chiếm từ 80 - 85%, tại khu vực ngoại thành là hơn 80%.

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm Việt Nam tại Hội chợ thương mại diễn ra ở Hà Nội.  Ảnh: Phạm Hùng

Để có được kết quả trên, thời gian qua, nhiều DN đã đầu tư công nghệ máy móc, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt Tiệp Lương Văn Thắng chia sẻ: Công ty đã đầu tư công nghệ, thay đổi mẫu mã để sản phẩm đạt tiêu chí tốt, bền, đẹp. Hơn nữa, dù các chi phí tăng lên nhiều nhưng Công ty chủ trương không tăng giá. Do đó, trên 90% sản phẩm tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa, doanh thu tăng mạnh theo từng năm.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam nhận định, đa số các DN đã chú trọng sản xuất các sản phẩm chất lượng, đầu tư hệ thống phân phối để giúp NTD có cơ hội sở hữu những sản phẩm tốt nhất. Từ đó tạo niềm tin cho NTD và các sản phẩm Việt có cơ hội chiếm lĩnh thị trường.

Tiếp tục cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng sản phẩm

Mặc dù hàng Việt đã chiếm được cảm tình của NTD, tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi DN Việt phải liên tục đổi mới công nghệ, thiết kế bao bì đẹp nâng cao chất lượng sản phẩm... Đây là điều kiện tiên quyết để sản phẩm đến với NTD. Tuy nhiên, thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, vấn đề nhãn mác, bao bì ít được các DN quan tâm, đầu tư đúng mức. Đặc biệt đối với các ngành thực phẩm, bao bì, nhãn mác thậm chí còn chưa tương xứng với chất lượng, giá trị hàng hóa. Điều này làm giảm khả năng tiếp thị và quảng bá sản phẩm tới thị trường quốc tế. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam Vũ Thị Hậu cho biết, bao bì sản phẩm hấp dẫn sẽ giúp DN xây dựng thương hiệu qua việc nhận diện sản phẩm; Đây cũng là yếu tố tác động và thúc đẩy quá trình mua hàng của NTD giúp DN tồn tại trên thị trường. Vì vậy để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước các đối thủ ngoại.

Bên cạnh đó, để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trong lòng NTD còn đòi hỏi DN nâng cao chất lượng sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa, đặc biệt là vùng nông thôn. Tại phiên chợ Việt do Sở Công Thương tổ chức tại huyện Thạch Thất mới đây, nhiều NTD nhận xét: Sản phẩm Việt có uy tín khi xuất khẩu, nhưng cùng nhãn hiệu đó, hàng dành cho thị trường nội địa, nhất là vùng nông thôn, chất lượng lại thua hàng ngoại nhập, nên NTD ít tiêu thụ hàng nội. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý phải chú ý những hàng rào kỹ thuật và biện pháp kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, bảo đảm thị trường hoạt động lành mạnh. Đồng thời, NTD có ý thức tẩy chay hàng hóa không rõ nguồn gốc, ưu tiên sử dụng hàng Việt có chất lượng…, chắc chắn hàng Việt sẽ có chỗ đứng vững vàng hơn.

Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các hoạt động truyền thông giúp DN quảng bá sản phẩm Việt tới NTD. Tuy nhiên, DN cần có ý thức hơn nữa trong việc tiếp tục đầu tư công nghệ, sản xuất ra những hàng có thương hiệu, chất lượng tốt, mẫu mã phù hợp với thị hiếu NTD trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải