8 tháng đầu năm: Sản xuất tăng, xuất khẩu giảm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi sản xuất trong nước tiếp tục xu hướng tăng trưởng thì thị trường xuất khẩu...

Kinhtedothi - Trong khi sản xuất trong nước tiếp tục xu hướng tăng trưởng thì thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, đó là nhận định chung của Bộ Công Thương tại hội nghị giao ban trực tuyến tháng 8 và 8 tháng năm 2015 (ngày 3/9).

Công nghiệp tăng trưởng trở lại

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), sau 8 tháng, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn rất nhiều so với mức tăng của cùng kỳ một số năm gần đây. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,4%; Ngành khai khoáng tăng 8%; Ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,4%; Ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 6,9%. 
Nhóm hàng thủy sản sụt giảm 10,2% so cùng kỳ năm trước.      Ảnh: Trần Huy
Nhóm hàng thủy sản sụt giảm 10,2% so cùng kỳ năm trước. Ảnh: Trần Huy
Cùng với mức tăng trưởng của sản xuất công nghiệp, tình hình tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến,
Báo cáo về tình hình khắc phục hậu quả bão lụt ảnh hưởng đến công tác sản xuất, khai thác của ngành than trong tháng 8 vừa qua, ông Vũ Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, hầu hết các đơn vị khai thác than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản sản xuất trở lại. TKV cũng đang nỗ lực đưa nhiều dự án mới vào hoạt động như Dự án Alumin Nhân Cơ (cuối tháng 9, đầu tháng 10); Dự án Nhà máy Gang Thép Cao Bằng (trong tháng 9); Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập, Na Dương...
chế tạo tiếp tục xu hướng tăng trưởng khá với 13,3%. Tiêu thụ tăng trưởng khá, tồn kho ở mức thấp hơn so với cùng kỳ, là những dấu hiệu tích cực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Kết quả đó có được một phần là do việc triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp đề ra trong Chương trình hành động của ngành công thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. 

Xuất khẩu nông sản gặp nhiều thách thức

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại đã giúp kim ngạch xuất khẩu (XK) nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 18,6% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản lại ghi nhận sự sụt giảm 10,2%. Nguyên nhân là do sự sụt giảm kim ngạch XK của mặt hàng thủy sản và 3 mặt hàng nông sản chủ lực gồm gạo, cà phê và cao su. 

XK thủy sản và gạo giảm do nguồn cung của các nước XK dồi dào, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, đặc biệt là cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Độ; giá dầu thô giảm kéo theo chính sách duy trì giá trị đồng nội tệ thấp để thúc đẩy XK của nhiều quốc gia, đồng thời dẫn đến hạn chế nhập khẩu; xu hướng bảo hộ đối với mặt hàng nông lâm thủy sản của các nước gia tăng...; XK cà phê giảm do hạn hán kéo dài tại khu vực Tây Nguyên và sâu bệnh khiến sản lượng thu hoạch giảm. Trong khi nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 46,6%, chủ yếu do sự sụt giảm kim ngạch XK dầu thô (dầu thô giảm 0,6% về lượng và giảm 48,7% về kim ngạch, do giá giảm 48,4%)… 

Với diễn biến thị trường này, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng XK 10% là nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt với tình hình kinh tế thế giới biến động và DN trong nước đang gặp nhiều rào cản, đặc biệt ở nhóm nông sản và khoáng sản.

Để hoàn thành mục tiêu, Cục Xuất nhập khẩu đang làm việc với Bộ NN&PTNT để phân tích khó khăn, thuận lợi của mỗi ngành hàng, nhóm hàng, từ đó tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Mỹ để đẩy mạnh XK. Bên cạnh đó, để tận dụng ưu đãi từ các FTA, Bộ Công Thương đã triển khai các Thông tư nhằm tạo thuận lợi cho cấp C/O điện tử, tiết kiệm chi phí và rút gọn thời gian làm thủ tục cho DN. Với các giải pháp này, kim ngạch XK nói chung và XK nhóm hàng nông lâm thủy sản được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa trong tháng 8 đạt 14,6 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, nhập khẩu đạt 109,9 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 44,7 tỷ USD, tăng 7,7%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,2 tỷ USD, tăng 23,2%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu 8 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhiều mặt hàng là nguyên phụ liệu đầu vào và máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất: Ô tô đạt 3,8 tỷ USD, tăng 80,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 18,9 tỷ USD, tăng 33,4%...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần