Theo Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Nguyễn Hồng Long, năm 2017, có 69 DNNN được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có các DN quy mô vốn Nhà nước rất lớn, trên 1.000 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng năm 2017, giá trị vốn Nhà nước tại các DN cổ phần hóa được xác định lại là 160.083 tỷ đồng, gấp 6,34 lần so với tổng giá trị phần vốn Nhà nước cổ phần hóa năm 2016. Cả nước đã thoái được 8.915 tỷ đồng theo giá trị sổ sách, thu về 139.385 tỷ đồng. Tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải nộp về ngân sách Nhà nước năm 2017 đạt 144.577,44 tỷ đồng (gấp 2,41 lần so với chỉ tiêu Quốc hội giao), trong đó thu từ cổ phần hóa 5.192,44 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 139.385 tỷ đồng.Về tình hình phát triển DN nói chung, năm 2017, số DN thành lập mới cả nước đạt kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay với 126.859 DN, tăng 15,2% so với năm 2016. Tổng số DN đang hoạt động đến hết năm 2017 ước tính trên 561.000 DN. Tỷ lệ DN kinh doanh có lãi đạt 47,3%, trong đó, DNNN kinh doanh có lãi chiếm 83,5% trong khối này, DN FDI là 54,4% và thấp nhất là DN ngoài Nhà nước, 47%.Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, so với trước đây, số DN làm ăn có lãi đã tăng lên nhiều, trong đó trên 80% số DNNN làm ăn có lãi trong khi năm 2012 chỉ có khoảng 30%.Phó Thủ tướng cho biết, năm 2017 là năm nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cổ phần hóa vì Chính phủ vừa ban hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý, vừa phải thực hiện nhưng đã đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đổi mới, sắp xếp lại, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả, cổ phần hóa, thoái vốn, phát triển DN dân doanh, FDI. Chưa bao giờ Chính phủ ban hành danh mục bán vốn tại DN, danh mục IPO tới năm 2020 và công khai cho các nhà đầu tư biết như năm 2017. Thoái vốn Nhà nước tại DN gấp tới 15,52 lần giá trị sổ sách là con số chưa từng có, trong đó riêng thoái vốn tại Sabeco mang lại giá trị gấp 32 lần mệnh giá, đạt lợi ích tối đa.Nguyên nhân của thành quả trên, theo Phó Thủ tướng là tinh thần phối hợp nhanh, quyết liệt của các bộ, ngành. Tuy nhiên, kết quả đạt được không đồng đều, một số bộ, ngành còn chậm cổ phần hóa, bán vốn, tâm lý một số nơi quá thận trọng, nhiều nơi sợ sai, sợ phải giải trình. Nhiều DNNN đã cổ phần hóa nhưng vẫn không chịu niêm yết, dù đã đủ điều kiện, đây là việc phải chấn chỉnh.Số DN đang hoạt động còn xa mục tiêu 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Như vậy, tính bình quân từ nay mỗi năm phải thành lập mới 180.000 DN khi mà chỉ tiêu năm 2018 cả nước thành lập mới 135.000 DN. Hơn 80% DNNN làm ăn có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận tính trên vốn và trên doanh thu còn thấp. Chi phí tài chính của DN vẫn còn cao, chưa kể chi phí ngầm, “bôi trơn”, không chính thức. “Sức khỏe của DN thế này vẫn chưa yên tâm được”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Toàn cảnh cuộc họp. |