Thận trọng trong từng công đoạn
Nhằm tìm ra hướng giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường hồ có tính chất lâu dài, bền vững và có thể nhân rộng trên toàn địa bàn TP, UBND TP Hà Nội đã nghiên cứu nhiều công nghệ xử lý khác nhau từ trong và nước ngoài để lựa chọn một công nghệ xử lý phù hợp nhất với điều kiện của Hà Nội.
Sở Xây dựng cho biết, từ 1/9/2016, theo chỉ đạo của TP, công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ được tiến hành thử nghiệm xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy - 3C tại 3 hồ Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu. Sau khi thử nghiệm thành công, công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C đã được UBND TP chấp thuận cho triển khai nhân rộng cho đến nay.
Sau rất nhiều lựa chọn, lấy mẫu, nghiên cứu, Công ty Watch Water đã sản xuất ra chế phẩm Redoxy – 3C – chế phẩm độc quyền, phù hợp dành riêng cho xử lý ô nhiễm môi trường nước ở Hà Nội. Mặc dù chế phẩm Redoxy – 3C là nghiên cứu độc quyền dành cho việc xử lý ô nhiễm môi trường hồ ở Hà Nội, nhưng để chế phẩm này được đưa vào thực hiện rộng khắp lại là chuyện không hề đơn giản. Bởi, dù là một công nghệ tiên tiến, được sản xuất độc quyền, nhưng bao giờ cũng vậy giữa các công trình nghiên cứu và điều kiện thực tế luôn có những khoảng cách nhất định.
Nhận thức rõ vấn đề này, trước khi triển khai đại trà, TP đã tiến hành thực nghiệm tại 2 bể cá và 3 téc nước 1m3 mẫu nước hồ Hoàn Kiếm, Tây Hồ và Đống Đa.
Hồ Hà Nội được chia làm 3 loại chính là hồ không tiếp nhận nước thải, hồ tiếp nhận nước thải khi mưa và hồ tiếp nhận nước thải. Chế phẩm Redoxy-3C là sản phẩm độc quyền của Công ty Watch Water (CHLB Đức) được nghiên cứu và sản xuất để xử lý nguồn nước bị ô nhiễm phù hợp với đặc tính các loại hồ trên, chế phẩm có thể hoạt động trong phạm vi nồng độ dải pH rộng, có thể sử dụng để loại bỏ mùi, màu, các chất ô nhiễm vô cơ, hữu cơ. |
Tiếp đó, TP đã tiến hành thử nghiệm tại bè quây trên hồ Hoàn Kiếm (đoạn trước phố Bảo Khánh). Chưa dừng ở đó, sau khi tiến hành xử lý thực nghiệm tại bè quây, TP đã giao Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tiến hành thực nghiệm trong quy mô phòng thí nghiệm với mẫu nước của 20 hồ đặc trưng cho 3 nhóm hồ trên địa bàn TP… Kết quả đem lại rất khả quan, hàng loạt chỉ số thể hiện mức độ nhiễm nước như BOD, COD, TSS, Amoni, Coliform, NH4+… đều giảm mạnh so với trước khi xử lý.
Từ những kết quả trên, TP đã giao Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện công tác xử lý môi trường nước các hồ ô nhiễm trên địa bàn TP bằng chế phẩm Redoxy - 3C. Từ tháng 9/2016 đến quý I/2019, đơn vị này đã tiến hành xử lý, duy trì chất lượng nước 87/125 hồ nội thành; lắp đặt, thay thế bổ sung 3.028 bè thủy sinh/63 hồ và 293 máy sục khí/52 hồ… Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các hồ đã có những chuyển biến tích cực, được Nhân dân ghi nhận đánh giá cao.
Kết quả khả quan
Theo đánh giá của các chuyên gia, chế phẩm Redoxy-3C của Đức là chế phẩm thân thiện với môi trường có 3 tác dụng chính là loại bỏ các cation kim loại như Al, As, Cd, Cu, Pb, PO43-, NH3, SO42 và oxy hóa các chất ô nhiễm vô cơ và hữu cơ. Cũng theo các chuyên gia, chế phẩm cung cấp oxy cho nước hồ rất nhanh và trong 24 giờ có thể thấy được hiệu quả.
Sử dụng chế phẩm Redoxy - 3C để xử lý môi trường nước sẽ không cần phải sử dụng thêm bất kỳ hóa chất nào khác để xử lý ô nhiễm nước. Đặc biệt, quá trình xử lý nước hồ bằng chế phẩm Redoxy - 3C này còn ưu việt hơn so với 1 số biện pháp xử lý khác như: Không cần đầu tư nhiều trang thiết bị, nhanh gọn, dễ vận hành. Tùy vào mức độ tiếp nhận nước thải của từng loại hồ mà tần suất thực hiện duy trì chất lượng nước lên đến 3 - 9 tháng…
Nói về hiệu quả của chế phẩm Redoxy – 3C trong việc xử lý ô nhiễm môi trường tại Hồ Tây, ông Đinh Quang Thành (Tổ 1, phường Bưởi, quận Tây Hồ), người thường xuyên tập thể dục xung quanh hồ chia sẻ, so với thời điểm trước khi xử lý, nước hồ bây giờ đã xanh hơn, bớt mùi hôi. Thậm chí, vào những ngày oi bức, người dân có thể xuống hồ tắm mà không còn bị ngứa ngáy như trước nữa. Tuy nhiên, theo ông Thành, để tiếp tục cải thiện môi trường nước trong hồ, TP và các lực lượng chức năng cần phải bổ sung thêm lượng chế phẩm Redoxy – 3C thì hiệu quả mới thực sự bền lâu.Theo báo cáo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, quá trình xử lý nước hồ bằng chế phẩm Redoxy - 3C này còn ưu việt hơn so với một số biện pháp xử lý khác như: Không cần đầu tư nhiều trang thiết bị, nhanh gọn, dễ vận hành. Tùy vào mức độ tiếp nhận nước thải của từng loại hồ mà tần suất thực hiện duy trì chất lượng nước lên đến 3 - 9 tháng. Trong khi công nghệ áp dụng trước có quy trình thực hiện phức tạp, sử dụng đồng thời nhiều loại chế phẩm, thao tác thực hiện phức tạp và tốn nhiều nhân công thực hiện, hiệu quả nhận thấy sau 15 - 20 ngày và một số loại chế phẩm thời gian thực hiện duy trì chất lượng nước phải lặp lại hàng tháng. |
Trước đó, bà Nguyễn Thị Mai và ông Bùi Công Nam đại diện cho những người dân tại khu dân cư số 5, phường Phương Liên, quận Đống Đa đã gửi thư cám ơn tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội về viêc giải cứu tình trạng ô nhiễm tại hồ Ba Mẫu. Tại bức thư này, đại diện người dân cho biết, từ năm 2016, UBND TP Hà Nội đã giao cho Công tyTNHH MTV Thoát nước Hà Nội tiến hành xử lý ô nhiễm hồ Ba Mẫu băng công nghệ mới sử dụng chế phẩm Redoxy - 3C. Qua thời gian xử lý, đến nay đã được hơn 2 năm, đem lại kết quả rất tích cực môi trường hồ đã được cải thiện, hệ sinh thái trong lòng hồ đã được hồi sinh. Nước hồ đã trong xanh trở lại, không còn mùi hôi thối, cảnh quan hồ ngày càng xanh đẹp hơn. Cũng tại bức thư này, đại diện những người dân tại khu dân cư số 5, phường Phương Liên kiến nghị UBND TP tiếp tục nhân rộng công nghệ xử lý ô nhiễm này tới các hồ khác để môi trường của TP Hà Nội ngày càng được xanh – sạch – đẹp.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, so với các công nghệ xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước được chào hàng ở cùng thời điểm, chế phẩm Redoxy – 3C có chi phí thấp hơn khá nhiều. Cụ thể, từ 6/2016 đến tháng 12/2018 chi phí xử lý và duy trì chất lượng nước bằng chế phẩm Redoxy – 3C là 152 triệu/1ha, kinh phí duy trì cho các năm tiếp theo là 100 triệu/1ha. Trong khi đó, công nghệ IDRABEL (Bỉ) là 30.000 EUR/ha, tương đường khoảng 765 triệu/ha; Công nghệ Nhật Bản khoảng 280 triệu/ha (dự kiến làm ở hồ Giáp Bát năm 2014). |