Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

8X đam mê khởi nghiệp từ cây nấm

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với niềm đam mê và tâm huyết tạo ra thực phẩm sạch cho cộng đồng, chị Nguyễn Thị Lan Phương (SN 1982) - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Phát triển Thương mại Minh Phương đã không ngần ngại đầu tư vốn và công sức để xây dựng Trang trại sản xuất nấm hiện đại theo công nghệ Nhật Bản tại Thường Tín, Hà Nội.

Từ “trồng người” sang trồng nấm
Từng gắn bó với công việc giảng dạy Ngoại ngữ 7 năm, nhưng đến năm 2016, nhận thấy nhu cầu của thị trường về nấm tươi khá lớn, chị Nguyễn Thị Lan Phương quyết định rẽ ngang mở trang trại trồng nấm với mong muốn người dân được ăn thực phẩm an toàn với mức giá hợp lý. Bắt tay khởi nghiệp với số vốn 500 triệu đồng, chị Phương đầu tư vào nhà xưởng, nguyên liệu, nhân công và trong 3 tháng đầu, hoàn toàn chỉ sản xuất, chưa có lợi nhuận.
 Chị Nguyễn Thị Lan Phương giới thiệu với khách tham quan sản phẩm nấm và phôi nấm tại Vietnam Growtech 2018. Ảnh: Trần Thảo
Thời gian đầu, mặc dù đã dày công nghiên cứu tài liệu, thực hành nhiều năm trước đó, nhưng chị Phương gặp không ít khó khăn vì sai sót kỹ thuật, điều kiện thời tiết, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm... Nhưng không nản lòng, Phương vừa làm vừa rút kinh nghiệm để vụ sau đạt hiệu quả cao hơn. May mắn Phương gặp được một đối tác người Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ trồng nấm, hỗ trợ chị kỹ thuật, cách thức sản xuất nấm sao cho an toàn... Nhờ đó, sau một thời gian, chị tích lũy được kinh nghiệm trồng nấm, biết được những dấu hiệu bệnh dịch của nấm. “Khi thấy nấm có hiện tượng bị bệnh: Sâu, đậu ruồi,… cần phải khoanh vùng và hủy tất cả những phôi nấm đang bị bệnh dịch. Sau đó, phun lại lán trại, cách ly khoảng một tháng, rồi lại vào phôi tiếp” - chị Phương cho hay.

Thành công nhờ tâm huyết

Theo chị Phương, quy trình trồng nấm được chị sử dụng hoàn toàn các nguyên liệu từ các chế phẩm nông nghiệp hữu cơ: Rơm, mùn gỗ, cám ngô, cám gạo; ngoài ra, còn có vôi bột, thạch cao… vừa tăng canxi vừa có tác dụng khử khuẩn cho một số bệnh nhiễm nấm mốc. “Đặc biệt, trồng nấm hiện nay không dùng công nghệ ủ, thay vào đó là công nghệ hấp thanh trùng. Nghĩa là cần phải hấp thanh trùng phôi nấm đạt từ 100 độ trở lên, nhằm tránh được một số độc tố và nhiễm khuẩn (nhiễm mốc xanh, mốc đen); đồng thời làm tăng độ an toàn của nấm” - bà chủ 8X chia sẻ. Được biết, toàn bộ sản phẩm nấm được tạo ra từ một quy trình sản xuất khép kín có sự kiểm soát chặt chẽ về kỹ thuật, ánh sáng và nhiệt độ.

Quyết định ứng dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, với phôi nấm 2kg - 2,2kg, sẽ cho ra sản lượng nấm là 1kg - 1,2kg, thu hoạch trong vòng 3 tháng (giai đoạn tốt nhất của nấm). Hiện tại, công ty trồng nấm theo hướng tự nhiên, tùy vào thời tiết, dao động từ 300 - 500kg phôi nấm/ngày tương đương 150 - 250kg nấm/ngày; thậm chí có thể lên đến 600-700kg phôi nấm/ngày cho ra sản lượng nấm là 400 -500kg/ngày vào mùa đông, mùa xuân nhờ độ ẩm cao; với diện tích 1.200m2 nấm sò các loại, những nấm khác (nấm đùi gà, nấm hương tươi…) là 3.000m2. Nhờ vậy, chỉ với hơn 4.000m2 nhà xưởng, mỗi năm công ty cung cấp cho thị trường gần 200 tấn nấm, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Với tôi, thời gian hơn 2 năm khởi nghiệp không phải là dài nhưng đến nay tôi cũng đã nắm bắt và biết những chủng nào phù hợp cho thời tiết thông thường, hoàn toàn làm chủ được về giống, công nghệ” - chị Phương tự tin.

Theo chị Phương, nấm thích hợp với khí hậu ôn đới, nhiệt độ để nấm hình thành và phát triển trung bình khoảng 15 -16 độ C. Hiện nay ở nước ta chỉ trồng được nấm hương vào mùa Đông hoặc ở vùng núi cao, giá cả nhập trên thị trường lại rất cao nên chị Phương đang nghiên cứu mô hình trồng nấm trong nhà lạnh, duy trì nhiệt độ ở mức ổn định để được thu hoạch quanh năm.

Tuy nhiên cái khó hiện nay của Công ty Minh Phương là quỹ đất để mở rộng sản xuất và nguồn vốn vay. “Thời gian tới, tôi muốn hướng tới cải thiện được hệ thống máy móc, thiết bị phun tưới, hệ thống làm mát và phòng lạnh cho nấm để tăng lợi nhuận” - chị Phương chia sẻ về định hướng phát triển.