8x gây dựng cơ nghiệp từ tăm tre

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyễn Bách Trường (SN 1987, đội 9, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội) được biết đến như một điển hình vươn lên làm giàu từ mô hình sản xuất tăm giang, với doanh thu 4 tỷ đồng/năm và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân có thu nhập ổn định.

Nguyễn Bách Trường kể: Vốn sinh ra trong một gia đình làm nghề truyền thống sản xuất tăm tre, anh luôn ấp ủ, trăn trở muốn thay đổi chất lượng cây tăm nhỏ bé, cũng như tìm một hướng đi mới cho bản thân để vươn lên thoát nghèo. Nhưng chỉ đến khi lập gia đình, bố mẹ cho mấy tạ tăm để… làm vốn, hai vợ chồng bán được 5 triệu đồng, lúc đó anh mới chính thức bắt tay khởi nghiệp. Những năm đầu tiên, anh Trường sản xuất và bán trực tiếp tại các cửa hàng trong huyện và một số vùng lân cận như Thạch Thất, Chương Mỹ, Xuân Mai... Đây cũng là quãng thời gian vất vả nhất khi tăm sản xuất ra liên tục bị ế do cơ sở chưa có thương hiệu. Dù vậy, Trường vẫn kiên trì thuyết phục, mang tăm cho khách hàng dùng thử miễn phí với suy nghĩ “đã theo nghề thì chấp nhận có lỗ, có lãi; có khó khăn, thất bại”. Ngoài việc tự đi tiếp thị sản phẩm, Trường vừa làm vừa rút kinh nghiệm để sản phẩm của mình hoàn thiện hơn. Cuối cùng, khó khăn của anh được giải quyết dần dần.

Tỷ phú 8X Nguyễn Bách Trường cùng sản phẩm tăm tre.          Ảnh: Hà Linh

Với quan điểm không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất nào trong quá trình sản xuất, nên tăm vẫn giữ nguyên được màu xanh, thơm và dẻo dai, an toàn, tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng. Sau một thời gian dùng thử, thấy sản phẩm có chất lượng tốt, nhiều ưu việt hơn so với tăm tre, khách hàng đã bắt đầu liên hệ với anh. Nhiều DN, nhà hàng tìm đến cơ sở sản xuất của anh đặt hàng. “Tôi không quên được cảm giác lần đầu nhận được đơn hàng đặt 200 gói tăm, hai vợ chồng mừng đến phát khóc. Cuối cùng sản phẩm của mình đã xây dựng được thương hiệu riêng” - anh Trường xúc động nhớ lại.
Khi đã tạo dựng được niềm tin về chất lượng, Trường chú ý đến thiết kế mẫu mã cho sản phẩm. Và với cây tăm tưởng chừng như “chẳng có gì đáng nói” ấy, anh đã phát triển thành 7 loại tăm khác nhau, trong đó sản phẩm tăm tiệc, tăm hỷ có dấu ấn đặc biệt nhất về mẫu mã. Năm 2012, anh mạnh dạn vay mượn để đầu tư hơn 2 tỷ đồng mở thêm xưởng sản xuất, mua sắm máy móc để sản xuất.
Với phương châm đặt uy tín lên hàng đầu, đến nay, cơ sở sản xuất của Nguyễn Bách Trường đã có thương hiệu. Hiện tại, cơ sở sản xuất tăm của anh có doanh thu trên 4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Tỷ phú trẻ 29 tuổi Nguyễn Bách Trường còn ấp ủ hoài bão sẽ đem sản phẩm của mình vào thị trường miền Nam và xuất sang các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan..
             

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần