9 lô dầu khí Trung Quốc đưa ra mời thầu thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một tuần trước khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Campuchia tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (PMC) với Mỹ, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã tổ chức hội thảo với chủ đề: "Biển Đông và châu Á Thái Bình Dương trong thời kỳ quá độ, tìm kiếm các giải pháp để giải quyết tranh chấp".

Tại cuộc hội thảo kéo dài hai ngày (27 - 28/6), hơn 20 học giả nổi tiếng đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore,… đã tập trung thảo luận về các diễn biến gần đây trên khu vực Biển Đông, vấn đề Biển Đông trong quan hệ Mỹ - ASEAN - Trung Quốc, đánh giá tầm quan trọng của Biển Đông trong bối cảnh khu vực thay đổi, đồng thời đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường an ninh và hợp tác tại khu vực Biển Đông.

Theo Giáo sư Carlyle Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, Trung Quốc không có căn cứ để tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, "dựa vào những luật pháp quốc tế" thì yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là một sự vô lý vì nó được vẽ ra (năm 1948) trước khi có Công ước Luật Biển của Liên Hợp quốc (1992). Đặc biệt, tại hội thảo, nhiều học giả quốc tế đều nhận định rằng, 9 lô dầu mà Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương của Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò khai thác dầu khí trên Biển Đông đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tiến sỹ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của CSIS cảnh báo: "Những lô mời đấu thầu thăm dò của Trung Quốc chồng lấn với Việt Nam và các lô này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc làm này sẽ không tốt cho việc giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam trong tương lai, đồng thời nó có ảnh hưởng xấu tới việc giải quyết tranh chấp tương tự giữa Trung Quốc và Philippines". Ngoài ra, Tiến sỹ Bonnie Glasser cũng cho rằng, bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải "suy nghĩ hai lần" trước khi quyết định.

Liên quan đến vấn đề Luật Biển Việt Nam mới được Quốc hội Việt Nam thông qua, Giáo sư Carlyle Thayer khẳng định đây là một "diễn biến rất tích cực" vì "đến năm 2025, một nửa GDP của Việt Nam là từ biển" nên Việt Nam "cần luật để điều chỉnh và xác định rõ ràng nhiệm vụ của các cấp, các ngành". Học giả Henry Bensurto cũng khẳng định: Việc Quốc hội một nước thông qua dự luật để bảo vệ chủ quyền, và dự luật đó tuân thủ các quy định của quốc tế là điều đáng hoan nghênh. "Tôi cho rằng việc Việt Nam thông qua Luật Biển là một điều rất tốt, bất cứ một hành động của quốc gia nào, Việt Nam hay Philippines, hay một nước nào khác thông qua một đạo luật mà nó phù hợp với luật pháp quốc tế thì đó là điều khuyến khích nên làm", vị học giả này nêu ý kiến.

Trong khuôn khổ hội thảo, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell và ông Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đều có những bài phát biểu quan trọng, khẳng định Washington phản đối việc sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp tại khu vực Biển Đông và tái khẳng định lợi ích quốc gia của Mỹ trong việc tự do hàng hải tại khu vực này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần