Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

9 tháng, tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội đạt 9,5%

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Theo con số thống kê vừa được Cục Thống kê Hà Nội công bố, tính đến hết tháng 9, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP Hà Nội đạt 3.400 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 9,7% so với thời điểm kết thúc năm 2018.

Lượng tiền gửi đạt 3.243 nghìn tỷ đồng, chiếm 95,4% trong tổng nguồn vốn huy động, tăng tương ứng là 1,2% và 10,2% (trong đó tiền gửi tiết kiệm đạt 1.401 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% và tăng 10,5%; tiền gửi thanh toán đạt 1.842 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% và tăng 9,9%); phát hành giấy tờ có giá đạt 157 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,6% trong tổng nguồn vốn huy động, tăng 0,7% so với thời điểm kết thúc năm 2018.

 

Tổng dư nợ tín dụng đạt 2.048 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 9,5% so với thời điểm cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay đạt 1.828 nghìn tỷ đồng, chiếm 89,3% tổng dư nợ tín dụng; đầu tư đạt 220 nghìn tỷ đồng chiếm 10,7%.

Đến hết tháng 9, tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,5% tổng dư nợ cho vay; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,1%; cho vay đối với bất động sản chiếm 7,6%; cho vay xuất khẩu chiếm 9,4%; cho vay tiêu dùng chiếm 8,8%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,4%.

Về tình hình thực hiện lãi suất: lãi suất huy động bằng VND tiếp tục phổ biến ở mức 0,5%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức từ 4,5%-5,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%-7,5%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,8%-8,3%/năm. Lãi suất huy động USD của các TCTD tiếp tục duy trì ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6% đến 9%/năm đối với ngắn hạn;  9% đến 11%/năm đối với trung và dài hạn; đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay được áp dụng ở mức thấp hơn. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8% đến 6%/năm.