Theo các chuyên gia, nhà chứa quan họ đã có những thăng trầm và có một thời kỳ bị tránh gọi.Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: Ngày xưa, nhà chứa quan họ không bị hiểu xấu như bây giờ. Đây là nơi tập hát, sinh hoạt và ngủ nghỉ của các liền anh, liền chị và du khách. Đặc biệt, ngày xưa, hội kéo dài 2 - 3 ngày nên nhà chứa là địa điểm thích hợp để đón tiếp và mời cơm quan họ bạn. Thế nhưng, đến một giai đoạn nhà chứa quan họ xấu dần đi như là nhà thổ nên cũng không còn mấy ai nhắc đến. Ông Vĩ thông tin thêm, trong các tài liệu nghiên cứu trước năm 1957, các nhà nho cũng đặc biệt ý nhị không nhắc đến cụm từ “nhà chứa quan họ”, mãi đến năm 1957 - 1962 cụm tên gọi này mới được gợi lại. Trong hồ sơ trình UNESCO công nhận quan họ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, “nhà chứa quan họ” cũng được dùng trong nháy.Tuy nhiên, hỏi thêm nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là các nghệ nhân hoặc người dân Bắc Ninh thì nhà chứa quan họ được hiểu một cách rất thông dụng theo nghĩa hình thành sơ khai. Chính vì vậy, các dự án xây dựng nhà chứa quan họ của UBND tỉnh Bắc Ninh được người dân đồng tình ủng hộ. Được biết, dự án nhà chứa quan họ ở phường Kinh Bắc không phải là dự án đầu tiên tại Bắc Ninh. Ở những địa điểm được xác định là làng quan họ loại 1 đã được duyệt mức đầu tư dưới 10 tỷ đồng để xây dựng các thiết chế văn hóa riêng cho quan họ, trong đó có nhà chứa quan họ.Theo kết cấu nhà chứa quan họ hiện nay, không còn có chức năng ngủ nghỉ và ăn uống mà gồm: Nhà chính 5 gian, nhà ngang một tầng ba gian và các hạng mục phụ trợ như cổng chính theo kiến trúc truyền thống bằng gỗ lim Nam Phi, mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch đỏ, tường xây bằng gạch phục chế bắt mạch, hệ thống tường rào bao quanh, sân lát gạch đỏ. Tổng mức đầu tư dự kiến cho nhà chứa quan họ ở phường Kinh Bắc là 8,99 tỷ đồng lấy từ ngân sách tỉnh, nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung giai đoạn 2016 - 2020 và các nguồn vốn khác nếu có.Chính vì chức năng nhà chứa quan họ thay đổi nên nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ đề xuất gọi là nhà sinh hoạt quan họ. Ông Vĩ cũng nhận định, việc đầu tư 10 tỷ đồng để xây dựng các thiết chế văn hóa cho quan họ là đáng khuyến khích, giúp người dân nơi đây có không gian sinh hoạt bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Hiện nay, chưa có nhiều địa phương có những quyết sách đầu tư mạnh dạn cho lĩnh vực văn hóa như Bắc Ninh.