Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

90 năm Công đoàn Việt Nam: Khẳng định vai trò, vị thế trong giai đoạn mới

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 90 năm qua, từ khi thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam đến nay, Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta đều thừa nhận Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được hình thành trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổ chức của người lao động, do người lao động, vì người lao động
Theo PGS,TS Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, trong lịch sử, ít có tổ chức chính trị - xã hội nào thể hiện tinh thần đấu tranh vì các thành viên tổ chức của mình như Công đoàn. Lúc đầu là tự phát, sau đó là tự giác. Những cuộc đấu tranh của công nhân, lao động, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Công đoàn khác biệt so với những cuộc đấu tranh do chính Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Đấu tranh của người lao động dưới sự lãnh đạo của Công đoàn là vì quyền dân sinh, dân chủ, bằng các hình thức đình công, bãi công.
 Giai cấp công nhân Việt Nam. Nguồn: Báo Phú Yên.
Các cuộc đấu tranh của người lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vì quyền lợi chính trị, vì độc lập, tự do (tất nhiên trong đó có quyền dân sinh, dân chủ). Đây là điểm khác căn bản, để khẳng định rằng, chỉ có Đảng Cộng sản mới lãnh đạo cách mạng vô sản, mà trong đó, công nhân và những người lao động là lực lượng cơ bản nhất của cách mạng, có thể đoàn kết, lôi kéo được các lực lượng, giai tầng khác trong xã hội, tạo thành sức mạnh to lớn của cách mạng.
Luận giải vì sao Công đoàn Việt Nam là tổ chức “vì người lao động”, PGS,TS Vũ Quang Thọ nhấn mạnh: Trước đó, Công đoàn được lập ra bởi người lao động, của người lao động, toàn tâm, toàn ý phụng sự quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân và những người lao động. Do vậy, việc khẳng định Công đoàn là tổ chức vì người lao động, cũng là lẽ đương nhiên, hợp logic, hợp lẽ phải. Điều này cũng khẳng định rằng, nếu Công đoàn không đấu tranh vì người lao động, không đem lại lợi ích cho người lao động, tất yếu sẽ không được người lao động ủng hộ, đi theo, nghe theo và đương nhiên, Công đoàn sẽ không có lực lượng để thực hiện. Đây là luận cứ thuyết phục nhất, khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn, cũng là khẳng định bản chất giai cấp công nhân của tổ chức Công đoàn.
Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển
Trải qua gần một thế kỷ xây dựng và phát triển với những trang sử vẻ vang đáng tự hào, Công đoàn Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; những điều kiện phát triển mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… đang đặt ra cho Công đoàn Việt Nam đứng trước những thời cơ, thuận lợi song cũng có nhiều thách thức, khó khăn cần vượt qua. Điều cốt yếu nhất là Công đoàn Việt Nam phải khẳng định được vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường, Công đoàn Việt Nam đang đứng trước những áp lực lớn. Hiện tại, người lao động có quyền tự nguyện tham gia (hoặc không tham gia) vào tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, khi tham gia CPTPP, trong tương lai, người lao động có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn làm đại diện. Đây là một thay đổi quan trọng đối với người lao động.
 Nâng cao trình độ cho công nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Nguồn: Báo Vĩnh Phúc
Khi tham gia CPTPP, người lao động làm việc trong một doanh nghiệp, không có sự phân biệt, họ có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn làm đại diện. Tổ chức đại diện của người lao động (tổ chức khác) không phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị mà không trái với những quyền lao động được nêu trong Tuyên bố của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), nên tổ chức này chỉ tập trung vào nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong khi đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam trước hết mang sứ mệnh là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị nước ta, đồng thời là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Công đoàn Việt Nam cần nhiều nguồn lực và công sức để có thể thực hiện tốt cả hai vai trò này.
Ngoài thách thức về vị thế, sẽ có nhiều vấn đề pháp lý đặt ra cần quan tâm giải quyết thấu đáo. Đó là quan hệ giữa tổ chức Công đoàn Việt Nam với tổ chức đại diện khác của người lao động trong doanh nghiệp sẽ như thế nào? Vị trí, vai trò của từng tổ chức? Bên cạnh quyền bình đẳng trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động, giữa Công đoàn Việt Nam và tổ chức đại diện khác có những đặc thù nào khác nhau, khi Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội? Đây không những là các câu hỏi mang tính chiến lược, đòi hỏi phải được giải đáp thỏa đáng, trên cơ sở hình thành các quan điểm và các giải pháp thực hiện, mà còn là một thay đổi quan trọng không chỉ đối với người lao động mà còn là thách thức đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân lao động, như tôn chỉ mục đích của tổ chức Công đoàn vì thế cũng bị thử thách. Làm thế nào để Công đoàn, một tổ chức có 90 năm với bề dày nhiều kinh nghiệm trong đại diện, thương lượng, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, vẫn sẽ là trung tâm tập hợp, đoàn kết, thu hút đông đảo người lao động tham gia là thành viên, đó là vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.
“Không còn đất” cho những hoạt động không hiệu quả
Vì thế ông Bùi Văn Cường cho rằng, cần phải tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để tiếp tục xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng phát triển. Trong đó, phải đổi mới tư duy về Công đoàn và hoạt động Công đoàn. Hoạt động công đoàn trong giai đoạn hiện nay phải hướng tới chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức Công đoàn, không còn đất cho những hoạt động thiếu thiết thực, không hiệu quả. Hoạt động công đoàn hiện nay phải nhằm thỏa mãn nhu cầu về lợi ích của người lao động, phải bảo vệ được người lao động trong quan hệ lao động, phải mang lại lợi ích cho chủ sử dụng lao động để các hoạt động công đoàn có tính bền vững, nhận được sự ủng hộ.
Chỉ tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; kiên quyết không tổ chức các hoạt động hình thức, tốn kém, mang lại hiệu quả không cao. Đối với công đoàn khu vực hành chính, sự nghiệp, cần tập trung vào nâng cao trình độ đội ngũ, ý thức công vụ, phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đoàn kết, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho đoàn viên. Đối với công đoàn các doanh nghiệp, tập trung cho công tác thương lượng, đối thoại, mang lại phúc lợi và lợi ích thiết thực cho người lao động, phát động các phong trào nâng cao năng suất, lao động sáng tạo, chăm lo thiết thực đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, bảo vệ người lao động khi quyền và lợi ích bị xâm phạm, tham gia giải quyết có hiệu quả các tranh chấp lao động và đình công.
Đặc biệt, cần tập trung nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp. Đây là yếu tố có tính chất sống còn, quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới. Đảm bảo sự đồng bộ giữa nâng cao phẩm chất với trình độ, năng lực, kỹ năng công tác. Đặc biệt coi trọng các phẩm chất hàng đầu của cán bộ công đoàn: bản lĩnh, chuyên nghiệp, tâm huyết, gắn bó với cơ sở, gần gũi với công nhân lao động và yêu nghề.
Tập trung nâng cao hiệu quả công tác xây dựng chính sách, pháp luật để thích ứng với tình hình mới. Trước hết đầu tư nghiên cứu các chế định pháp luật lao động, công đoàn có liên quan, nghiên cứu các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, chỉ rõ những yêu cầu mới, những vấn đề cần điều chỉnh, phục vụ việc sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn, đồng thời xây dựng kế hoạch, chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm ứng phó với những nội dung phát sinh khi Việt Nam triển khai các nội dung của CPTPP và EVFTA có liên quan đến người lao động và Công đoàn, đặc biệt là việc người lao động có quyền thành lập tổ chức đại diện người lao động ngoài hệ thống tổ chức Công đoàn hiện nay. Công đoàn cũng sẽ có tiếng nói mạnh mẽ và những đề xuất xác đáng trong việc xây dựng các chính sách bảo vệ người lao động về việc làm trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.