Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

90% sinh viên bách khoa tốt nghiệp có việc làm: Chưa thể hài lòng

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên về tỷ lệ hơn 90% người học tốt nghiệp có việc làm, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐH BKHN) cho rằng, sinh viên của trường còn cần chỗ làm việc có mức lương tương đối để đảm bảo cuộc sống và cơ hội phát triển.

 Giờ thực hành của sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Trung
Kỳ vọng mức thu nhập bảo đảm cuộc sống
Trong đề án tuyển sinh 2018 của ĐH BKHN, sinh viên tốt nghiệp 2 khóa gần đây có việc làm chiếm trên 90%. Ông có thể cho biết những ngành nào đạt tỷ lệ cao như vậy?

- Hiện nay, những người học ở ĐH BKHN nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ thường tìm được việc làm chiếm tỷ lệ rất lớn. Kể cả những trường rất đặc thù như ĐH Thủy lợi, sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật - công nghệ có tỷ lệ việc làm cũng rất cao. Nếu người học sẵn sàng chấp nhận một mức lương nhất định ở địa phương nào đó thì BKHN cũng giống như một số trường cao đẳng hoàn toàn ký cam kết về việc làm cho người học nếu họ không tìm được việc.
Nhưng đặc thù của sinh viên BKHN có đầu vào tốt và trải qua quá trình khổ luyện trong học tập, khi tốt nghiệp là những kỹ sư giỏi nên cơ hội việc làm mở rộng. Nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 đang dần đi vào cuộc sống, những chuyên gia về công nghệ luôn được thị trường lao động đón chào.

Tuy nhiên, sinh viên BKHN kỳ vọng nhiều hơn thế, không chỉ có việc làm mà mức lương tương đối cao để đảm bảo cuộc sống. Bên cạnh đó, họ cũng cần có điều kiện làm việc, đặc biệt là gần những trung tâm văn hóa chính trị để được học tiếp nâng cao trình độ cũng như phát triển sự nghiệp. Đó là lý do vì sao không phải 100% sinh viên BKHN tìm được việc làm đúng ngành.

Những ngành nào có tỷ lệ việc làm thấp, thưa ông?

- Các ngành có tỷ lệ việc làm thấp hơn không phải do nhu cầu xã hội không cần, mà các bạn tốt nghiệp BKHN quan tâm đến điều kiện làm việc. Sinh viên tốt nghiệp những ngành thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, tài chính, ngân hàng có tỷ lệ việc làm thấp hơn bởi nhiều trường cùng đào tạo.
 PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Chọn ngành theo năng lực và sở thích

Ông có thể cho biết, mức thu nhập trung bình của sinh viên sau tốt nghiệp?

- Mức lương tùy theo vị trí làm việc. Chẳng hạn, các bạn làm về công nghệ thông tin (CNTT), lương khởi điểm trung bình từ 15 – 20 triệu đồng/tháng. Một số ngành khác, có mức lương tháng 7 - 8 triệu đồng. Những em học chương trình chất lượng cao, có kỹ năng ngoại ngữ tốt, thu nhập tháng lên tới trên 1.000 USD. Theo khảo sát, sinh viên BKHN hài lòng với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng.

Hiện nay đã đến thời điểm đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhưng nhiều thí sinh băn khoăn nên chọn những ngành có tỉ lệ việc làm cao hay ngành mình thích, ông có thể khuyên các em điều gì?

- Điều quan trọng là các em cân đối giữa ngành yêu thích với năng lực của mình có đáp ứng được yêu cầu của ngành đó hay không. Hiện tại cả nước đang thiếu đến 1 triệu chuyên gia về CNTT, do đó nguồn nhân lực về kỹ thuật ở lĩnh vực này rất lớn. Năm nay, trường BKHN cũng tăng chỉ tiêu đào tạo về CNTT, đặc biệt là CNTT ứng dụng trong ngân hàng và các lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, để đỗ được vào ngành CNTT của BKHN không đơn giản, vì điểm chuẩn trúng tuyển rất cao. Tôi muốn nói thêm, tỷ lệ việc làm cao hay thấp chỉ mang ý nghĩa tham khảo. Các em phải lắng nghe bản thân mình, chọn ngành yêu thích và có năng lực với ngành đó thì mới có cơ hội thành công.

Xin cảm ơn PGS!
Tới đây, nước ta sẽ ký mở rộng các hiệp định, những sinh viên học ngành kỹ thuật dệt và công nghệ may sẽ rất có tương lai. Hay, khối hóa – sinh - thực phẩm và môi trường đào tạo gắn với kỹ thuật khi sinh viên ra trường thích ứng với công việc nhanh nên tỷ lệ việc làm cũng rất cao.
PGS Nguyễn Phong Điền