Sáng 11/5, tại Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) đã diễn ra tọa đàm "Nhận biết và xử lý vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em trong môi trường học đường" với sự tham dự của hơn 50 chuyên viên tâm lý, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, phụ huynh và học sinh đến từ các trường phổ thông trên địa bàn TP.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ trẻ em. |
Tại đây, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều vụ xâm hại trẻ em diễn ra thời gian gần đây cho thấy rất nhiều vụ sau khi xảy ra từ vài ngày đến một tuần gia đình mới hay biết. Dù hiện nay pháp luật đã quy định rất rõ ràng, các hội, đoàn đều thiết lập đường dây nóng nhưng các vụ xâm hại diễn biến ngày càng phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do bản thân các em chưa hiểu đúng và đủ về quyền của mình, trong đó có 4 quyền cơ bản là quyền sống còn, quyền tham gia, quyền bảo vệ và quyền phát triển. Thậm chí, "ngay cả cha mẹ các em, thầy cô trên lớp cũng không nắm rõ các quyền mà con hoặc học sinh của mình được hưởng", luật sư cho biết.
Trong khi đó, theo thống kê chi tiết của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, từ năm 2014 đến 2016, cả nước xảy ra hơn 4.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 2.500 vụ là trẻ trong độ tuổi từ 13-16 tuổi. Đáng nói, có đến 93% thủ phạm gây ra các vụ xâm hại là người quen với các em, trong đó 47% là họ hàng, người trong gia đình.
Thêm vào đó, theo quy định hiện nay của pháp luật, "dâm ô" được định nghĩa là "hành vi sờ vào vùng kín hoặc những nơi khác". Chính sự mơ hồ, chưa rõ ràng trong cách định danh khiến quy định còn nhiều kẽ hở. So với "hiếp dâm" có cơ sở xử lý rõ ràng thì "dâm ô" rất khó xử lý. Nhiều trường hợp giáo viên còn băn khoăn về ranh giới xác định như hôn lên trán hoặc vuốt tóc có gọi là hành vi dâm ô hay không, làm sao giúp học sinh phân biệt giữa đụng chạm an toàn và không an toàn...
Giáo viên các trường phổ thông trao đổi kinh nghiệm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học sinh. |
Một thực tế cũng đáng lưu ý, theo Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh là khi đặt câu hỏi "Bắt đầu từ độ tuổi nào học sinh phải chịu trách nhiệm hành sự khi phạm tội" thì đa số học sinh ở các trường phổ thông đều trả lời là 16 hoặc 18 tuổi. Trong khi theo quy định của Luật Hình sự, trẻ em đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội. Kể cả trường hợp trẻ chưa đủ 14 tuổi, khi có hành vi phạm tội tuy không bị xử lý hình sự nhưng vẫn chịu xử lý bằng nhiều hình thức khác.
Cô Huỳnh Mai, chuyên viên tâm lý, Trường THCS Lê Quý Đôn bày tỏ, song song với việc quan tâm, đồng hành và chia sẻ khi trẻ gặp khó khăn, phụ huynh và nhà trường cần quan tâm sau khi tiến hành công tác kiện tụng, xử lý, trẻ được và mất những gì.